Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, cao trình chống lũ của các tuyến đê sông chính qua địa bàn Hà Nội hiện nay cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, những năm qua, sự cố đê điều vẫn xảy ra rất nhiều. Dẫn chứng là năm 2019, toàn TP để xảy ra 14 sự cố. Riêng 8 tháng đầu năm 2020, cũng đã có 9 sự cố đê điều xảy ra. “Điều này cho thấy chất lượng đê điều của Hà Nội còn nhiều vấn đề cần được quan tâm”- ông Tùng nhận định.
Không chỉ lo ngại về vấn đề an toàn đê điều, đại diện Vụ Quản lý đê điều còn đánh giá công tác xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này của Hà Nội còn rất thấp. Từ năm 2010 đến nay, thống kê toàn TP đã để xảy ra gần 2.000 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý các vụ vi phạm của Hà Nội chỉ khoảng 10%, tương ứng với khoảng 200 vụ. Điều đáng nói, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước (30%).
Số liệu thống kê trong 8 tháng đầu năm 2020 của Hà Nội cũng phản ánh nhận định trên của đại diện Vụ Quản lý đê điều. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn TP xảy ra 47 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, số vụ vi phạm được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm chỉ là 7 vụ, chiếm tỷ lệ khoảng 14,9%.
Trước diễn biến thiên tai ngày một bất thường hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các cục, vụ, viện sớm nghiên cứu, triển khai quy hoạch phòng chống lũ cho sông Hồng. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn cho Hà Nội trước thiên tai, mà còn phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Đối với vấn đề nâng cấp đê điều, các trọng điểm xung yếu, đại diện Vụ Quản lý đê điều cho biết, đối với đê dưới cấp 3, trách nhiệm đầu tư, nâng cấp thuộc về địa phương. Đối với các tuyến đê từ cấp 3 trở lên, Bộ NN&PTNT sẽ cân đối, bố trí nguồn vốn, hoặc đưa vào đầu tư trung hạn nếu chưa thể cân đối bố trí ngay. Trước mắt trong năm 2021 - 2022, đơn vị sẽ nghiên cứu, tham mưu Bộ NN&PTNT đầu tư nâng cấp đê tả sông Hồng, sông Đuống.