Theo ông Kolomoisky, vì phương Tây tỏ ra không nóng vội chấp nhận Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Kiev nên làm hòa với Moscow và nhận hỗ trợ của Nga, thay vì phải vay tiền của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
"Mỹ chỉ đang sử dụng Ukraine để tiến hành cuộc chiến chống Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ mạnh mẽ hơn nữa và bây giờ là lúc để sửa chữa những bất hòa", Igor Kolomoisky - chủ kênh truyền hình điều hành các chương trình hài kịch của ông Volodymyr Zelensky trước khi nam diễn viên này trở thành Tổng thống Ukraine vào năm nay - nhận định.
Đáng nói, ông Kolomoisky là một trong những người Ukraine phản đối quyết định sáp nhập Crimea của Nga năm 2014. Ông cũng tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện chiến đấu chống lại cuộc tấn công sớm của phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Những hoạt động đó được cho đã khiến Kolomoisky mất công việc kinh doanh tài chính ở Nga, nhưng bù lại là giành được quyền thống trị khu vực Dnipropetrovsk ở Ukraine. Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau đó đã giành lại và tìm cách phá bỏ những gì mà Chính phủ Kiev xem là "quân đội cá nhân" của Kolomoisky.
Với mối quan hệ lâu năm với tân Tổng thống Zelensky, những ý kiến trên tờ New York Times mới đây của ông Kolomoisky được xem như lời "đe dọa ngầm": Nếu các quan chức phương Tây không ủng hộ Kolomoisky, ông sẽ biến chính quyền Zelensky nghiêng về phía Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky được bầu dựa trên lời hứa sẽ khôi phục hòa bình cho miền đông Ukraine, và ông đã thực hiện một số bước để hướng tới mục tiêu đó, bao gồm trao đổi tù nhân với Moscow. Những tiến bộ này lại đang vấp phải sự kháng cự của giới trí thức Ukraine - những người luôn giữ tư tưởng "không đầu hàng Nga" và được ủng hộ bởi phương Tây.
Tuy nhiên, những tuyên bố của tỷ phú Kolomoisky không hẳn là thiếu cơ sở. Chính quyền tân Tổng thống Zelensky thực sự không nhận được nhiều sự ủng hộ của phương Tây lúc này, ngoài các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và quân sự cơ bản. IMF cũng đang từ chối hỗ trợ lớn hơn, một phần vì lo ngại khoản lỗ của ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine, Privatbank.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thời gian qua đã nói nhiều hơn về mối quan hệ hợp tác với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, trong khi cả Pháp và Đức đều không cho thấy sự chủ động đứng về phía Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình. Tại Mỹ, các vụ điều tra luận tội Tổng thống Doanld Trump, liên quan đến Ukraine, đang diễn ra, biến hình ảnh quốc gia Đông Âu trở nên xấu xí hơn bao giờ hết.
Như vậy, kể cả khi Kiev thực sự tiến gần hơn với Moscow, điều đó không hẳn vì tác động từ ông Kolomoisky. Một thất bại của phương Tây trong việc nắm lấy lòng nhiệt thành cải cách của ông Zelensky có thể mới là lý do thực sự.