Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine đối mặt thách thức lớn chưa từng có trong cuộc chiến với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiev đang lo ngại nguồn viện trợ quân sự của phương Tây có thể bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột Hamas-Israel, việc Hạ viện Mỹ không thông qua gói viện trợ mới, cũng như sự chia rẽ tại châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: president.gov.ua/
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: president.gov.ua/

Lo ngại phương Tây sẽ bị “phân tâm” bởi cuộc xung đột đang diễn ra tại Trung Đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11/10 đã đích thân đến gặp bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels để kêu gọi viện trợ thêm hệ thống phòng không, pháo và đạn dược, nhằm giúp Kiev vượt qua mùa đông thứ hai trong cuộc chiến với Nga.

Giới chức Mỹ và NATO gần đây đã cam kết sẽ sớm thực hiện gói hỗ trợ quân sự trị giá 2 tỷ USD cho Kiev.

Tuy nhiên, trước khi xảy ra cuộc xung đột Hamas-Israel vào cuối tuần trước, đã có những lo ngại rằng sự hỗ trợ quân sự của châu Âu và Mỹ dành cho Ukraine để đối phó Nga đang bắt đầu giảm vì những bất đồng trong nội bộ Washington và hạn chế về ngân sách.

Lo ngại về dòng chảy viện trợ từ chính quyền Tổng thống Joe Biden bùng lên khi khoản tài trợ mới cho Ukraine đã bị tạm dừng do một phần của thỏa thuận ngân sách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn chính phủ đóng cửa.

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới của cựu Tổng thống Donald Trump đang làm lung lay niềm tin rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ quy mô lớn cho Ukraine.

Ngoài ra, việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine cũng là một vấn đề gây chia rẽ tại châu Âu. Cuộc bầu cử hôm 30/9 vừa qua, cử tri Slovakia đã trao cơ hội giành chiến thắng cho ông Robert Fico, cựu Thủ tướng có quan điểm thân Nga.

Cuộc tổng tuyển cử căng thẳng tại Ba Lan - một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine, cũng có thể gây quan ngại mới cho Kiev. Đây được xem là cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Ba Lan kể từ năm 1989, đồng thời sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với các quyết định tiếp theo về chính sách đối ngoại với Ukraine và châu Âu.

Tại Đức, phe cực hữu phản đối việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 8/10.

Bà Yelyzaveta Yasko, thành viên Ủy ban đối ngoại thuộc Hạ viện Ukraine nói với tờ New York Times: “Chúng tôi hết sức bi quan về duy trì năng lực quân sự trong việc đối phó với Nga vào mùa đông sắp tới. Ukraine đang gặp nhiều thách thức về sản xuất vũ khí và đảm bảo cơ sở hạ tầng an ninh”.

Theo cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves, sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ dành cho Ukraine dường như đang suy yếu.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao EU mới đây đã cam kết ủng hộ kiên định cho Ukraine, nhưng cảnh báo rằng khối này sẽ không thể lấp đầy khoảng trống tài trợ nào mà Mỹ để lại.

"Chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine nhưng chắc chắn châu Âu không thể thay thế Mỹ" - ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU – phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ở Tây Ban Nha hôm 5/10.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quân đội Ukraine không thể hoạt động quá một tuần nếu không có viện trợ của phương Tây.

Phương Tây cạn kiệt nguồn lực hỗ trợ Ukraine

Theo tờ New York Times, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết gửi thêm hệ thống phòng không để Ukraine đối phó nếu Nga phát động chiến dịch không kích mới nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong mùa đông năm nay.

Kiev đã phát động một cuộc phản công trong mùa hè,  nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn nào trước hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Ảnh: AP
Kiev đã phát động một cuộc phản công trong mùa hè,  nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn nào trước hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Ảnh: AP

Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 13/10 cho biết nước này sẽ hỗ trợ Kiev hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Tuy nhiên, cam kết hồi tháng 3 của EU về việc hỗ trợ 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine khó có thể thực hiện trong năm nay, khi các nước châu Âu mới gửi được khoảng 250.000 quả đạn từ kho dự trữ. Số đạn pháo này chỉ đủ cho lực lượng quân đội Ukaine sử dụng trong vòng hơn 1 tháng.

Trong bài phát biểu tại một sự kiện ở Warsaw gần đây, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nói rằng ngành công nghiệp quân sự châu Âu chưa đáp ứng yêu cầu và cần phải tăng tốc sản xuất đạn pháo. “Chúng tôi buộc phải huy động số đạn pháo từ kho dự trữ vốn đang ở mức rất thấp của các nước châu Âu để hỗ trợ Ukraine và lượng dự trữ đang dần cạn kiệt” - ông Bauer nói.

Một quan chức cấp cao của NATO cho biết giới chức Ukraine tỏ ra bi quan khi nhận định những tháng mùa đông lạnh giá sắp tới sẽ là một trong thách thức lớn nhất của Ukraine.

Kiev đã phát động một cuộc phản công trong mùa hè trong nỗ lực giành lại lãnh thổ ở phía nam và phía đông, song cho đến nay vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn nào trước hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.

Malcolm Chalmers, phó giám đốc Royal United Services Institute - tổ chức nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại London, cho biết trở ngại lớn nhất đối với Kiev trong thời điểm hiện tại là tinh thần của binh sĩ và nguồn lực của Ukraine đều đang bị ảnh hưởng.

Lực lượng quân đội vẫn phải tiếp tục chiến dịch phản công hiện tại bất chấp mối đe dọa không nhận được nhiều nguồn viện trợ quân sự từ phương Tây.

Hơn thế nữa, một số chuyên gia nhận định rằng Kiev cũng lo ngại về khả năng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden sẽ kêu gọi nước này tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn với Nga vào mùa hè năm 2024, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.