"Chiến lược tiêu hao" của ông Putin ở Ukraine sắp thành công?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang theo dõi tình trạng rối ren ở Washington và căng thẳng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm đạt hiệu quả trong chiến lược tiêu hao ở Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc như thế nào? Đầu năm nay, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định, nếu tái đắc cử, ông sẽ “giải quyết cuộc chiến đó trong một ngày, 24 giờ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đưa ra một dự báo ít tham vọng hơn: Nếu mọi việc diễn ra theo ý ông, cuộc chiến có thể kết thúc sau một tuần.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sánh vai với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hành lang Nhà Trắng trong chuyến đi tới Washington, DC, hôm 21/9. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sánh vai với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hành lang Nhà Trắng trong chuyến đi tới Washington, DC, hôm 21/9. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai hôm 5/10 , ông Putin dự đoán rằng Ukraine sẽ sụp đổ nếu phương Tây cắt các nguồn viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế.

Ông nói: “Nhìn chung, nền kinh tế Ukraine không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài". 

Những nhận xét này có lẽ là phát biểu rõ ràng nhất của ông Putin cho đến nay về chiến lược ở Ukraine, đó là thúc đẩy liên minh phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine trước cuộc chiến tranh tiêu tốn càng kéo dài. Và những diễn biến gần đây cho thấy kế hoạch của ông Putin đang gặp những điều kiện thuận lợi. 

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa đến ngày 17/11, nhưng việc tài trợ cho Ukraine không bao gồm trong kế hoạch.

Một quân nhân Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut ngày 22/9. Ảnh: Reuters
Một quân nhân Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut ngày 22/9. Ảnh: Reuters

Trong suốt cuộc chiến, Mỹ là nguồn hỗ trợ ổn định cho Ukraine, với cam kết tổng cộng khoảng 113 tỷ USD cho nước này, bao gồm hỗ trợ quân sự trực tiếp, chuyển ngân sách và hỗ trợ nhân đạo.

Tuy nhiên, việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy rời nhiệm sở đã khiến triển vọng ngắn hạn của gói hỗ trợ mới vấp phải nghi ngại: Nếu thiếu lãnh đạo, hoạt động lập pháp tại Hạ viện thực sự bị đình trệ.

Những diễn biến tại Quốc hội Mỹ cũng cho thấy rõ: sự phản kháng của các nhà lập pháp cực hữu từ Đảng Cộng hòa đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc Mỹ duy trì viện trợ dài hơi cho Ukraine, đặc biệt là trong một cuộc phản công lớn.

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua giành đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa có thể cũng ảnh hưởng đến tính toán của ông Putin. Điện Kremlin chắc chắn lưu tâm đến thực tế rằng một số đảng viên Đảng Cộng hòa tỏ ra hoài nghi khi nói đến việc hỗ trợ Ukraine. Trong đó tỷ phú Trump đang dẫn đầu cuộc đua nội Đảng. 

Các thành viên Liên minh châu Âu hiện cung cấp khoảng 39% viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine. Ông Putin rõ ràng đang hi vọng vào sự mệt mỏi của châu Âu về cuộc chiến. 

Đầu tuần này, một đảng do Robert Fico, chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy, ủng hộ Điện Kremlin đứng đầu, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Slovakia, một thành viên EU và NATO. Ông Fico đã kêu gọi chính phủ Slovakia ngừng trang bị vũ khí cho Ukraine. 

Trong bài phát biểu gần đây, lãnh đạo Điện Kremlin lưu ý rằng cơ sở công nghiệp của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tăng nhu cầu về đạn dược cho Ukraine, quốc gia đang bị mắc kẹt trong trận đấu pháo binh với Nga.

Còn tại cuộc thảo luận tuần trước tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã cảnh báo rằng “đáy nòng hiện đã lộ rõ” khi đề cập đến việc sản xuất đạn dược cho Ukraine.

Trong bối cảnh này, ông Putin dường như đang dựa vào tình trạng rối ren ở Washington và căng thẳng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương để chiến lược tiêu hao có thể phát huy hiệu quả. Chiến lược này, ở một mức độ nào đó, cũng phụ thuộc vào việc giành chiến thắng trong nhận thức về trận chiến.