Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

UNDP: Nữ đại biểu Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tỉ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp, trong khu vực công cũng như khu vực tư, có có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhấn mạnh như trên tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu do UNDP phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện về vai trò quan trọng của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021.
Kết quả nghiên cứu của các đối tác đã cung cấp dẫn chứng thực tiễn về đóng góp của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước trong suốt 5 năm qua. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cử tri và xã hội tin tưởng hơn vào các ứng cử viên nữ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2021.
Đại biểu UNDP và các đối tác thảo luận kết quả nghiên cứu về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội
Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65 trên 162 Quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Nghiên cứu “Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021” của UNDP và các đối tác cho thấy, nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri, song nữ đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cư tri qua mạng xã hội thường xuyên hơn nam đại biểu.
Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; dân tộc; lao động thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu. Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội, cũng như trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri.
Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất “phát ngôn đúng mực” và “có khả năng thuyết phục” cao hơn so với nam đại biểu. Lợi ích của cử tri tại địa phương họ ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của cả nam và nữ đại biểu Quốc hội khi đại biểu tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể. Đồng thời, nguyện vọng của cử tri là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc thực hiện nhiệm vụ của cả nam và nữ đại biểu Quốc hội. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đồng tình rằng nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
“Tỉ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp, trong khu vực công cũng như khu vực tư, có có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau” - Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, UNDP mong tiếp tục hợp tác với các đối tác phát triển và Quốc hội Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới - cả về lượng và về chất – để không chỉ có thêm phụ nữ giữ trọng trách trong các cơ quan dân cử, mà còn hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả khi họ được bầu.