Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng cơ giới hóa sản xuất khoai tây

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Đông năm 2016, huyện Sóc Sơn lần đầu tiên đưa vào triển khai ứng dụng mô hình cơ giới hóa (CGH), liên kết trong sản xuất khoai tây.

Dự kiến hiệu quả kinh tế mang lại đạt khá, dù điều kiện thời tiết được đánh giá là không thực sự thuận lợi.
Giá trị kinh tế ước đạt 155 triệu đồng/ha
Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện, vụ Đông năm 2016, HTX nông nghiệp Đông Lai (xã Quang Tiến) đầu tư, gieo trồng 5ha khoai tây giống Solala và KT3 của CHLB Đức. Tuy nhiên, do là mô hình mới triển khai năm đầu tiên nên cán bộ địa phương, HTX phải sang tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để học hỏi kinh nghiệm. Từ thực tế khảo nghiệm, HTX đã đầu tư, thiết kế lắp đặt máy móc phục vụ CGH. Việc ứng dụng CGH được thực hiện từ khâu làm đất, vén lấp, vun xới, tới cung cấp nước tưới và phun thuốc phòng trừ sâu hại. Nhờ đó giúp tiết giảm tối đa sức lao động cho bà con nông dân.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây vụ Đông năm 2016 tại huyện Sóc Sơn

mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Ảnh: Trọng Tùng
Những tháng đầu mùa Đông đã qua, thời tiết diễn biến thất thường với nền nhiệt độ trung bình khá cao khiến sinh trưởng, phát triển của khoai tây bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Ông Lê Xuân Bình - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đông Lai cho biết, qua khảo sát đồng ruộng, đánh giá dự kiến năng suất khoai tây vụ Đông năm 2016 đạt khoảng 155 triệu đồng/ha. Con số trên thấp hơn so với kỳ vọng, nhưng theo ông Bình, đó là lợi ích kinh tế rất đáng kể, bởi toàn bộ diện tích 5ha hiện đang trồng khoai tây thuộc thôn Đông Lai những năm trước đây đều bị bỏ hoang. Hàng năm, người dân thường chỉ cấy lúa 2 vụ (Xuân và Mùa).
Đánh giá, nhân rộng mô hình
Cùng với xã Quang Tiến, vụ Đông năm 2016, huyện Sóc Sơn cũng hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Tân Hưng canh tác 10ha khoai tây. Năng suất khoai tây theo đánh giá là tương đương với khoai tây được trồng tại xã Quang Tiến. Ông Đỗ Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, việc áp dụng CGH vào sản xuất khoai tây giúp hạn chế tình trạng bà con bỏ đất sản xuất đang ngày một phổ biến vào vụ Đông thông qua tiết giảm sức lao động. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người nông dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, thực tế cho thấy, việc áp dụng CGH vào sản xuất khoai tây góp phần rất lớn vào giảm sức lao động cho người nông dân, đồng thời tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp. Sau vụ Đông năm 2016, địa phương sẽ nghiên cứu đánh giá hiệu quả của mô hình CGH trong sản xuất khoai tây; tiến tới mở rộng diện tích khoai tây vụ Đông trong những năm tiếp theo. Ông Tân cũng nhấn mạnh, trong quá trình sản xuất khoai tây nói riêng, cây vụ Đông nói chung, việc tăng cường liên kết với các DN trong cung ứng, tiêu thụ nông sản là vấn đề được địa phương đặc biệt chú trọng. Không chỉ giúp bà con yên tâm sản xuất, điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu tạo nên những vùng chuyên canh lớn, hướng tới xây dựng những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Sóc Sơn.
Triển khai mô hình CGH sản xuất khoai tây vụ Đông, địa phương đã hỗ trợ 50% kinh phí mua khoai tây giống, một phần thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, phối hợp liên kết với 2 DN cung ứng giống, phân bón trả chậm và bao tiêu một phần sản phẩm sau thu hoạch cho bà con.