Ứng dụng khoa học công nghệ: Nền tảng của đô thị thông minh

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, góp phần xây dựng thành phố thông minh, cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử.

 Điểm trông giữ xe iParking
Bước tiến bộ quan trọng

Trong nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh và bền vững, ứng dụng KH&CN có sứ mệnh quan trọng hơn bởi đây là nền tảng để triển khai nhiều giải pháp thiết kế - xây dựng - quản lý cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hoạt động du lịch, giao thông đô thị. Đồng thời xác định các vấn đề môi trường, quản lý môi trường và tham vấn cộng đồng, y tế....
Năm 2018, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở KH&CN đã tiếp nhận 3.169 hồ sơ và giải quyết 3.288 hồ sơ. Các hồ sơ đều được giải quyết đúng quy trình và thời hạn quy định. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng KH&CN, CNTT, nền tảng chính quyền điện tử tại TP đã cơ bản hình thành và làm cơ sở xây dựng thành phố thông minh.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động KH&CN của Hà Nội đã có bước tiến bộ quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt, trong đó, có sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học. Đó là việc Hà Nội đã bắt đầu đưa một số thành tố của đô thị thông minh vào triển khai trong thực tế: Ứng dụng tìm kiếm điểm đỗ xe qua thiết bị di động - iParking; ứng dụng tìm kiếm, sử dụng xe buýt - Timbuyt; bản đồ số các điểm ngập úng...

Hay hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của TP về việc thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, đã thẩm định công nghệ 27 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cấp thiết, nóng bỏng của Thủ đô: Cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bãi đỗ xe tự động... Trong đó, có một số dự án trọng điểm của TP (dự án Nạo vét bùn và bổ cập nước Hồ Tây; dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn… Qua đó, giúp TP và chủ đầu tư lựa chọn được những công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, lựa chọn được công nghệ thiết bị phù hợp, tiên tiến, tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất, được TP và các sở, ngành đánh giá cao.

Góp phần xây dựng chính quyền điện tử

Theo Giám đốc sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh, hoạt động KH&CN, nhất là các hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính Nhà nước và các DN được chú trọng đẩy mạnh. “Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính góp phần xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử kết hợp với ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của Sở đem lại hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quản lý” - Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh.

Nhằm nỗ lực tìm kiếm nguồn lực, giải pháp và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, phục vụ cho việc thu thập dữ liệu cũng như định hình nền tảng cơ bản của đô thị thông minh, thời gian tới, Sở KH&CN Hà Nội tập trung tham mưu chủ trương xây dựng Đề án Công viên KH&CN. Phát triển, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thiết lập sàn giao dịch công nghệ…