Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng viên Tổng thống Mỹ và những mảng màu khác biệt trong chính sách kinh tế

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách kinh tế của 2 ứng viên Tổng thống Mỹ từ lưỡng đảng - Hillary Clinton và Donald Trump đưa ra trong cuộc bầu cử năm nay là những mảng màu hoàn toàn khác nhau.

Dù cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều nhất trí, mức thuế hiện nay quá “ưu đãi” với giới thượng lưu nhưng chính sách họ đưa ra vẫn đối nghịch “chan chát”. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump chủ trương giảm thuế toàn diện, đặc biệt là giảm số lượng khung thuế từ 7 xuống còn 3. Vị tỷ phú này cũng đề nghị bãi bỏ “thuế thừa kế”, áp dụng khi một thành viên trong gia đình qua đời và để lại trên 5,45 triệu USD tài sản cho một cá nhân hoặc hơn 10,9 triệu USD cho một cặp vợ chồng.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đưa ra nhiều chính sách kinh tế khác biệt, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, thương mại và thị trường lao động.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đưa ra nhiều chính sách kinh tế khác biệt, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, thương mại và thị trường lao động.
Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton mong muốn giữ nguyên mức thuế hiện nay, nhưng lại bổ sung thêm một khung thuế cao nhất, đặc biệt dành cho giới thu nhập cao tại Mỹ. Thu nhập thuế gia tăng từ chính sách này sẽ dành để chi trả cho các trường hợp sinh viên Mỹ có điều kiện khó khăn. Dựa trên “nguyên tắc Buffett”, bà Clinton kêu gọi áp đặt thêm 4% thuế đối với người Mỹ có thu nhập trên 5 triệu USD/năm nhằm “chia sẻ một cách công bằng”.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, kế hoạch của tỷ phú Trump đưa ra sẽ giảm 9,5 nghìn tỷ USD mức thu nhập của chính quyền vào 10 năm tới. Trong khi đó, áp dụng kế hoạch thuế của bà Clinton sẽ giúp tăng thu 1,1 nghìn tỷ USD cho ngân sách Mỹ trong cùng giai đoạn.

Về vấn đề thương mại, cả hai ứng viên đều có cái nhìn tiêu cực đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo tỷ phú Trump, những thỏa thuận thương mại không mang lợi ích tối đa cho nước Mỹ cần được loại bỏ, đồng thời nên tăng hạn ngạch thương mại lên những đối tác lớn như Mexico và Trung Quốc. Việc này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng giá, góp phần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng nội địa. Đặc biệt, tỷ phú này cho rằng Trung Quốc là “kẻ lũng đoạn tiền tệ”.

Cả bà Hillary và tỷ phú Donald Trump đều hứa hẹn hỗ trợ thị trường lao động, khi thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp - khoảng 4,9% kể từ đầu năm nay. Kế hoạch của ông Trump là tập trung khuyến khích chính quyền đầu tư vào cơ sở vật chất, giảm thâm hụt thương mại, cũng như loại bỏ một số quy định, góp phần khiến các DN cởi mở với người lao động hơn. Tỷ phú này cam kết bổ sung việc làm trong lĩnh vực gia công sản xuất. Công nghệ phát triển đã khiến số lượng nhân công trong lĩnh vực này giảm mạnh kể từ năm 2000. Gia tăng việc làm cũng là vấn đề trọng tâm trong cương lĩnh của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ. Bà Clinton thúc giục bổ sung chi tiêu vào cơ sở vật chất và đầu tư các ngành năng lượng mới nhằm sản sinh thêm việc làm. Số thu nhập ngân sách gia tăng nhờ đánh thuế nhà giàu sẽ được đổ vào công tác đào tạo nghề.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama sắp kết thúc với thành công nổi bật là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Do đó, việc đưa ra các chính sách kinh tế là áp lực khá lớn của người kế nhiệm ông Obama. Việc thể hiện khả năng chèo lái nền kinh tế Mỹ sẽ là một trong những chìa khóa then chốt để bà Hillary hoặc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua này.