Giám đốc UNICEF hôm 17/5 đã kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tài trợ vaccine cho chương trình COVAX như một biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng do gián đoạn xuất khẩu vaccine của Ấn Độ.
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson và Sputnik V. Ảnh: Reuters |
Viện Huyết thanh Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu vaccine AstraZeneca, loại vaccine vốn được cam kết sẽ sử dụng trong chương trình COVAX trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch Covid-19 đang càn quét nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này.
UNICEF ước tính chương trình COVAX sẽ thiếu hụt khoảng 140 triệu liều vào cuối tháng 5 và khoảng 190 triệu vào cuối tháng 6.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore tuyên bố: “Hiện tại, biện pháp cần thiết và khẩn cấp nhất là việc chia sẻ nguồn vaccine dư thừa sẵn có của các quốc gia trong nhóm G7”.
Bà Henrietta Fore lưu ý thêm rằng điều này có thể giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ngăn chặn khả năng trở thành điểm nóng dịch Covid-19 mới trên toàn cầu.
Theo kế hoạch, lãnh đạo các nước G7 sẽ gặp nhau tại Anh vào tháng tới. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước đã lên án "thảm họa đạo đức" của sự bất bình đẳng về vaccine, kêu gọi các nước giàu có tài trợ thay vì sử dụng để tiêm ngừa cho trẻ em vốn ít khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo một nghiên cứu của công ty phân tích thông tin khoa học Airfinity, các quốc gia G7 chỉ cần chia sẻ 20% lượng vaccine dự trữ, tương đương khoảng 153 triệu liều trong 3 tháng tới cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX mà vẫn đảm bảo chương trình tiêm chủng của riêng họ.
Cơ chế vaccine toàn cầu COVAX do WHO và liên minh vaccine GAVI đồng điều hành phần lớn dựa vào vaccine của AstraZeneca, khi chương trình đang phải tìm cách cung cấp đủ 2 tỷ liều trong năm nay như dự kiến.
UNICEF cho biết, các hạn chế khi sản xuất vaccine cũng đã làm chậm nguồn cung cho chương trình COVAX. Tuy nhiên, chương trình cam kết sẽ giải quyết vấn đề này vào cuối tháng 6.