Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

USD tiếp tục chịu áp lực mất giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đà đi xuống của đôla Mỹ cũng như động thái mua vào của giới đầu tư khiến giá vàng tăng cuối ngày.

KTĐT - Đà đi xuống của đôla Mỹ cũng như động thái mua vào của giới đầu tư khiến giá vàng tăng cuối ngày. Tại New York, đơn hàng giao tháng 4 được giao dịch với giá 1.118 USD một ounce, tăng 13 USD so với chiều 2/2.

Đôla Mỹ giảm giá trước nhiều ngoại tệ mạnh khác, trong khi chứng khoán, giá dầu, thị trường vàng, euro hồ hởi đi lên sau nhiều tin tức kinh tế tích cực trong ngày.

Đồng euro tăng giá so với đôla Mỹ trong ngày 2/2 sau một số thông tin tích cực về tình hình kinh tế Hy Lạp. Cuối phiên giao dịch tại New York, một euro đổi được 1,3969 USD. Đôla Mỹ cũng mất giá so với yen Nhật, một USD hiện tương đương 90,39 yen. Đồng bạc xanh hiện quy đổi được 1,0545 nhân dân tệ hoặc 0,88 đôla Australia. Chỉ số ICE Dollar giảm nhẹ xuống 78,988 điểm. USD mất điểm sau nhiều thông tin lợi nhuận của doanh nghiệp cùng các chỉ số kinh tế tích cực khiến giới đầu tư lại lao vào các tài sản rủi ro hơn hoặc các đồng tiền có lãi cao hơn.

Đà đi xuống của đôla Mỹ cũng như động thái mua vào của giới đầu tư khiến giá vàng tăng cuối ngày. Tại New York, đơn hàng giao tháng 4 được giao dịch với giá 1.118 USD một ounce, tăng 13 USD so với chiều 2/2. Trong khi đó, giá vàng giao ngay cũng tăng xấp xỉ 10 USD, đạt 1.115,05 USD. Đến sáng nay, tính đến 9h14 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce vàng có giá 1.111,30 USD, giảm nhẹ 2,1 USD so với mở cửa.

Thị trường dầu thô chứng kiến đà tăng mạnh tới 3,76% trong đêm qua tại thị trường New York. Mỗi thùng dầu hiện giao dịch ở 77,23 USD. Tại London, giá dầu Brent tăng 2,95 USD, đạt 76,06 USD một thùng.

Chứng khoán Mỹ đêm qua tiếp tục chuỗi tăng điểm ấn tượng khi chỉ số Down Jones tăng 93,79 điểm (0,9%), đạt 10278,94 điểm. Tính từ cuối tuần trước, chỉ số này đã tăng được 2,1%. Chỉ số công nghệ cao Nasdaq tăng 0,7% trong khi S&P 500 tăng 1,1%.

Lực đẩy từ Mỹ khiến chứng khoán châu Âu cũng có dấu hiệu phục hồi. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2, Chỉ số European Stoxx 600 tăng 1%, đạt 250,85 điểm. FTSE 100 của Anh tăng 0,7%, đạt 5283,31 điểm trong khi CAC-40 của Pháp tăng 1,3%, đạt 3812,13 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng hồi phục trong sáng nay. Vào thời điểm 9 giờ sáng tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6%, đạt 10.390 điểm. Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,5%, đạt 118,2 điểm.

Nguồn tin thân cận cho biết nhà cho vay lớn nhất nước Mỹ, Bank of America, sẽ chi 4,4 tỷ USD để trả thưởng cho nhân viên mảng đầu tư năm 2009. Theo đó, mỗi nhân viên sẽ được nhận trung bình khoảng 400.000 USD. Hiện khu vực đầu tư của Bank of America có khoảng 10.000 người, chiếm 4% so với con số 283.000 nhân viên của Bank of America. Đây là con số tiền thường làm hài lòng dư luận vì 4,4 tỷ USD chỉ tương đương 19% lợi nhuận của bộ phận đầu tư, so với tỷ lệ 26% thời kỳ đỉnh cao năm 2006. Tuy nhiên, lương dành cho CEO Brian Moynihan sẽ được nâng lên 950.000 USD so với 800.000 USD năm ngoái.

Hôm thứ ba, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố dự thảo kích thích việc làm, bằng cách chi 30 tỷ USD để khuyến khích khối doanh nghiệp nhỏ thuê thêm nhân công. 30 tỷ này lấy từ chương trình giải trừ nợ xấu TARP, sẽ được bơm vào các ngân hàng nhỏ có tài sản dưới 10 tỷ USD. Hiện có khoảng 8.000 ngân hàng có tài sản duới 10 tỷ USD có thể tham gia chương trình này. Tổng thống Mỹ đang đứng truớc áp lực lớn là phải giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới con số 10%.

Những tín hiệu lạc quan trên thị trường nhà đất là lực đẩy cho chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones. Hiệp hội các nhà môi giới Mỹ cho biết số lượng hợp đồng mua nhà tăng 1% trong tháng 12. Đây là mức tăng ít hơn mong đợi của thị trường, tuy nhiên cũng là tín hiệu đáng khích lệ đối với nền kinh tế. Cùng lúc đó, Công ty Xây dựng D.R. Horton tuyên bố lần đầu tiên có lãi trong 3 năm, khiến các nhà đầu tư hy vọng khu vực yếu ớt nhất của nền kinh tế đang phục hồi.

Đà cho vay ào ạt của Trung Quốc có thể đe dọa tính ổn định của các tập đoàn tài chính trong bối cảnh tăng trưởng nhanh chóng, theo cảnh báo của OECD ngày hôm qua. OECD cho rằng trong khi các chính sách của Bắc Kinh giúp nước này chèo lái qua khủng hoảng, sự can thiệp quá sâu của Chính phủ là một vấn đề phải bàn lại. Tổ chức này khuyên Trung Quốc nên nới lỏng sự kiểm soát chặt chẽ đối với giá trị đồng nhân dân tệ và đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế thị trường, trong đó bao gồm việc cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia thị trường tài chính.

Doanh số bán ra của Toyota giảm 16%, xuống mức thấp nhất suốt 10 năm sau sự việc hãng này thu hồi hàng triệu xe hơi để sửa chữa chân ga. Trong khi đó, doanh số bán ra của các đối thủ như General Motor, Ford đều leo thang lần lượt 14 và 25%, vượt cả dự báo của các nhà phân tích. Ngược lại, Honda và Chrysler doanh số bán ra giảm lần lượt 5 và 8%.

Sáng nay, Ủy ban châu Âu sẽ bàn bạc với các bộ trưởng tài chính trong khối xem họ có tán thành các biện pháp chống thâm hụt của Hy Lạp hay không. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp phát biểu trên truyền hình Athens rằng nước này cần hành động quyết liệt, và kêu gọi người dân ủng hộ các chính sách mới. Trong các biện pháp có tăng độ tuổi nghỉ hưu, ngừng tăng lương cho khối nhà nước trong năm nay