Xây mới 724 trường mầm non
Để khắc phục tình trạng quá tải về số lượng học sinh (HS)/lớp tại các trường mầm non, có nơi lên đến 65 - 70 trẻ/lớp, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đảm bảo khả năng phục vụ HS học và hoạt động 2 buổi/ngày tại trường từ cấp học mầm non đến cấp THPT. Tới năm 2015 số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học đạt 35%, mẫu giáo đạt 90%, trẻ 5 tuổi đi học đạt 100%. Tỷ lệ này vào năm 2020 là 60% với nhà trẻ, 95% với mẫu giáo, duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học. Năm 2015, cơ bản trường tiểu học ở Hà Nội được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại.
Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy trong ngày khai giảng năm học mới.Ảnh: Hải Linh
Năm 2020 sẽ giảm sĩ số bình quân của các trường tiểu học, THCS xuống còn 35 HS/lớp, THPT xuống còn 40 HS/lớp. Theo chỉ tiêu của quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 tầm nhìn 2030, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập kiên cố, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập, đảm bảo khu vực có từ 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT. Quy mô trường mầm non không quá 20 nhóm lớp/trường; trường tiểu học không quá 30 lớp/trường; trường THCS, THPT không quá 45 lớp/trường. Hà Nội sẽ cải tạo và xây mới 234 trường tiểu học, 108 trường THCS và 112 trường THPT. Đặc biệt, cấp học mầm non sẽ xây mới thêm 724 trường...
Hạn chế xây chung cư cao tầng
Kế hoạch đã được triển khai, quán triệt đến các trường, trong đó, giải pháp trọng tâm là xác định quỹ đất, các địa phương phải dành quỹ đất để xây dựng trường.
Để thực hiện giải pháp này, Sở GD&ĐT đưa ra 8 nhiệm vụ: Đảm bảo đủ trường, lớp cho HS các cấp, bậc học; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo; Tăng cường nguồn ngân sách Nhà nước cho giáo dục; Đặc biệt, chú trọng quỹ đất xây trường.Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã, tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trong khu vực nội thành, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Đặc biệt, phải ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng để giảm HS do tăng dân số cơ học.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường lên kế hoạch, nghiên cứu kỹ để đầu tư xây dựng mạng lưới trường, lớp phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho Thủ đô và đất nước.
Từ năm 2011 - 2030, dự tính sẽ cần gần 18 triệu m2 đất để xây dựng trường học tới năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2012 - 2020 cần trên 12 triệu m2 để xây mới 633 trường học, với tổng kinh phí trên 31.000 tỷ đồng...
|