Kinhtedothi - Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4. Đây là sự kiện lớn do ngành TN&MT tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
Giảm dần nguồn gây ô nhiễm
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, giai đoạn 2011 - 2015, đã giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm tác động xấu lên môi trường. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Áp lực của sản xuất nông nghiệp lên môi trường đã giảm đáng kể. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng, thoái hóa, bạc màu, hoang hóa đã có xu hướng giảm dần.
Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ nước thải, chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng. Tính đến năm 2014, đã có 29 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất hơn 789.000m3/ngày, đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại các khu vực nội thị trung bình đạt khoảng 85%. Tỷ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên đáng kể qua các năm (84,5% năm 2014 so với 32% năm 1998). Ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn. Mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường có nơi, có lúc được cải thiện.
Mặc dù vậy, hiện nay nhiều vấn đề môi trường bức xúc vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu nhiều mặt đến môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy. Công nghệ sản xuất trong nước nhìn chung lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả. Sản xuất theo mô hình làng nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe một bộ phận lớn người dân…
Tập trung xử lý chất thải nguy hại
Theo thống kê từ các tỉnh, TP lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800.000 tấn/năm, chủ yếu từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đa phần các nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hàng năm đều đã được thu gom, và đưa đến các cơ sở đã được cấp phép để xử lý. Cụ thể, năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc chiếm khoảng 23 triệu tấn, tương đương với 63.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Riêng tại Hà Nội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lên tới 6.420 tấn/ngày và TP Hồ Chí Minh là 6.739 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Địa chất (Đại học Mỏ - Địa chất), cho biết, tính đến tháng 6/2015, cả nước đã có 83 DN với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên đã được Bộ TN&MT cấp phép, và khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động. Trong đó, riêng công suất xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp phép là khoảng 1.300.000 tấn/năm.
Ông Lâm cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% so với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%. Hiện tượng các chất thải không có giá trị kinh tế được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt, thậm chí còn lẫn với chất thải nguy hại, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Tại nhiều cơ sở sản xuất, hệ thống kho chứa chất thải rắn công nghiệp cũng chưa đạt yêu cầu, không có mái che, khi nước mưa xuống, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Kiểm soát chặt vấn đề môi trường
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế yếu kém như vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; nhiều cơ chế chính sách chồng chéo trùng lắp, tính khả thi chưa cao, thực hiện chưa nghiêm; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ… Thủ tướng lưu ý đến cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức, ô nhiễm môi trường có thể tăng gấp 3 lần, thậm chí năm 2025 có thể gấp 4 - 5 lần, tính trung bình cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm có thể làm mất đi 3% GDP.
Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng người dân, DN; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay ODA để giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hình thành sản phẩm xanh, dịch vụ xanh thân thiện môi trường; kiểm soát chặt chẽ, không để Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển.
Khu xử lý chất thải tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|