Sự ra đời của “siêu” Ủy ban này được kỳ vọng sẽ giúp quản lý vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước hiệu quả hơn, vừa đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), hạn chế được tâm lý níu giữ của các bộ, ngành chủ quản vì sợ mất quyền lợi khi CPH DNNN.
Cổ phần hóa chậmSố liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tình hình CPH DNNN trong 7 tháng năm 2018 vẫn rất chậm. Tính đến cuối tháng 7/2018, mới có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị DN là 29.408 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 15.181 tỷ đồng. Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng, các DN đã thoái được 3.567 tỷ đồng, thu về 8.600 tỷ đồng.
Dù CPH hóa mang lại nhiều hiệu quả. Các DN sau CPH đã hoạt động và phát triển tốt như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines... nhưng theo Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến, nhận thức và quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu DNNN và các bộ, ngành DN trực thuộc vẫn là một nút thắt lớn trong quá trình CPH. "DN luyến tiếc, bộ ngành chưa quyết liệt" - ông Tiến nói.
Để Ủy ban hoạt động hiệu quả, vấn đề rất quan trọng là Chính phủ phải thu hút những người có tâm có tầm, có năng lực quản trị, có tư duy DN để tham gia quản trị các Tập đoàn, Tổng Công ty. Để làm được điều đó cần có chế độ đãi ngộ cao, không thể áp dụng chế độ đãi ngộ những chuyên gia thuộc Ủy ban như công chức.TS Trần Du Lịch |
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước cũng là vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua. Báo cáo giám sát hoạt động của các DNNN cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, nợ của DN đã tăng lên tới 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD). Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước như PVN, Vinachem, TKV...
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, các DNNN đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. “Có ý kiến nhận định, có tình trạng sân trước - sân sau giữa DNNN và các bộ, ngành chủ quản. Vì thế, cải cách DNNN còn nhiều lực cản”- chuyên gia Lưu Bích Hồ cho hay.
Tách quản lý Nhà nước ra khỏi kinh doanhTrước thực tế nhiều DN sử dụng vốn Nhà nước thiếu hiệu quả nhưng các bộ, ngành chủ quản và chính bản thân DN vẫn có tâm lý níu giữa quá trình CPH, thoái vốn, UBQLVNN ra đời được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy quá trình CPH, tăng chất lượng sử dụng vốn Nhà nước.
Theo TS Trần Du Lịch, Ủy ban này đã thực hiện được việc tách quản lý Nhà nước ra khỏi kinh doanh. Bên cạnh đó, việc tổ chức chuyên môn hóa cơ quan này sẽ giải quyết vấn đề nắm bắt cơ hội kinh doanh của DNNN. Ví dụ, trước đây, người đại diện vốn Nhà nước tại Tập đoàn, Tổng Công ty trước khi đưa quyết định tại HĐQT phải xin ý kiến cơ quan chủ quản là bộ. Thời gian đó đã làm mất nhiều cơ hội. UBQLVNN tại DN sẽ giải quyết nhanh nhạy ngay vấn đề của Tập đoàn, Tổng Công ty.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, khi xây dựng đề án thành lập UBQLVNN, mục tiêu của Chính phủ là để xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực đó, vừa trực tiếp quản lý các DN, tập đoàn Nhà nước. “Ủy ban chỉ tập trung giám sát vốn đó các DN dùng hiệu quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp, chứ không phải người sử dụng vốn này, không can thiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp của các DN” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo các quy định, Ủy ban UBQLVNN sẽ phải nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giám sát sử dụng vốn Nhà nước gắn với trách nhiệm quản lý, bảo tồn tài sản của Nhà nước trong các DN này với các cá nhân cụ thể. Việc gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể được kỳ vọng để đảm bảo nguồn lực của đất nước không bị lãng phí.
Ngoài ra, theo TS Trần Du Lịch, UBQLVNN cần phải thoát ly tư duy quản lý Nhà nước như lâu nay các bộ, ngành vẫn làm. Nếu Ủy ban vẫn là một cơ quan hành chính quan liêu thì không thể hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Cơ quan này phải có tư duy của DN và phải đứng trên tinh thần của DN để tổ chức quản trị.