Trong đó, một vấn đề tưởng nhỏ song đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều: Nên “bỏ” hay “không bỏ” vách ngăn kính giữa công dân và cán bộ tiếp nhận hồ sơ? Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Dương Văn Thi - Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ), đầu mối trực tiếp tham mưu cho TP về Dự thảo này.
Có ý kiến đề xuất nên bỏ vách ngăn kính tại Bộ phận một cửa, người lại cho rằng không nên bỏ. Quan điểm của ông thế nào?
- Cuộc sống liên tục phát triển nên CCHC cũng luôn phải vận động. Từ trang thiết bị đến cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), quy trình giải quyết TTHC ở một cửa… đều phải liên tục hoàn thiện để phục vụ tốt nhất. Từ trước đến nay, các văn bản đều chỉ nêu “cần tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình giao dịch”, chứ chưa bao giờ quy định “cứng” là phải có vách ngăn kính tại nơi tiếp nhận hồ sơ. Qua khảo sát, rất nhiều người cho rằng nên bỏ thiết bị này, bởi muốn đẩy mạnh cải cách hành chính thì CB, CC, VC càng phải thể hiện là “người phục vụ”, càng phải gần gũi, thân thiện với khách hàng. Mà để vách ngăn kính sẽ phần nào cản trở giao tiếp, trao đổi thông tin. Một số người dân còn tâm lý e ngại cũng vì vách ngăn đó.
Ngày 13/11 vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã có hướng dẫn về Bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, theo hướng vừa hiện đại vừa phải thân thiện với tổ chức, công dân. Trong dự thảo sửa đổi Quyết định 84, chúng tôi cũng sẽ mạnh dạn đề xuất TP quy định bỏ vách ngăn kính tại Bộ phận một cửa.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, vách ngăn kính làm cho Bộ phận một cửa trông khang trang hơn, lại góp phần đảm bảo an toàn cho hồ sơ tài liệu và bản thân cán bộ khi giao dịch. Ông nghĩ sao?
- Thoạt nhìn, vách ngăn kính tạo cảm giác hiện đại, nhưng không ít UBND quận, huyện, phường, xã có diện tích khiêm tốn, Bộ phận một cửa đã chật lại có vách ngăn thì càng làm cho không gian hẹp hơn. Bỏ vách ngăn sẽ cảm thấy không gian rộng, thân thiện hơn, lại giảm chi phí. Còn chuyện lo ngại khách hàng có thái độ thái quá ảnh hưởng đến cán bộ, tôi nghĩ rất ít khi xảy ra, không cần đề phòng. Tôi thấy một số ngân hàng ở quận Hà Đông đã bỏ vách ngăn, lắp thêm về phía khách hàng một phần kính rộng 30cm, dài bằng cả dãy bàn đó, và cao hơn phần bàn của nhân viên 10cm. Máy tính đặt sát phần bàn kính đó và lệch một chút. Như vậy, người dân và cán bộ vẫn thuận tiện ký giấy tờ, vừa an toàn cho hồ sơ tài liệu, vừa không ngăn cách việc nói chuyện. Ngân hàng chuyên kinh doanh dịch vụ, vừa thu vừa chi tiền, bỏ được vách ngăn mà vẫn có cách bảo đảm an ninh thì đối với cơ quan hành chính (chủ yếu giao dịch giấy tờ), lại càng không lo về an ninh, cũng nên thay đổi theo hướng dịch vụ như vậy. Không nên bảo thủ, vì sợ hành vi thái quá mà cố giữ lại những gì không cần thiết. Tất nhiên, sẽ tốn thêm chi phí đầu tư, nhưng rõ ràng, cái gì không còn phù hợp, phải thay thế bằng cái khác thì cũng không gọi là lãng phí.
Nói vậy, việc bỏ vách ngăn kính sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận Một cửa?
- Việc bỏ hay giữ vách ngăn kính chỉ là chuyện hình thức, không phải bản chất vấn đề. Quan trọng nhất chính là giáo dục tác phong, thái độ phục vụ của CB để họ nhận thức được rằng, trước hết mình phải tự hoàn thiện bản thân; cùng với thay thế những trang thiết bị không còn phù hợp, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất… Người cán bộ cứ làm đúng quy định và bằng cái tâm. Nếu người dân chưa hiểu thì cố gắng giải thích, chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn cụ thể, để họ không phải đi lại nhiều lần. Mà muốn người dân không phải tốn thời gian đi lại thì cơ quan Nhà nước phải công khai bộ TTHC tại Bộ phận một cửa, trên cổng thông tin… để tổ chức, công dân có thể tra cứu trước về thành phần hồ sơ cần có; cung cấp tờ giấy in sẵn các thủ tục đó, để lần sau họ làm theo.
Về phía tổ chức, công dân, nên tìm hiểu thông tin trước để khi đến thì cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nhiều người còn thường trực tâm lý cơ quan Nhà nước chỉ “hành là chính”, chứ chưa thay đổi cách nhìn nhận về CB, CC. Thực tế gần đây, CB, CC, VC thường xuyên được tập huấn kỹ năng giao tiếp. Thay vì tâm lý “xin - cho” thời bao cấp, giờ công dân nên xác định tâm thế khác: Mình đến làm TTHC thì nên “đề nghị” chứ không “xin” cán bộ giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Dự thảo Quyết định 84 sửa đổi sẽ yêu cầu, nếu có điều kiện thì các đơn vị phải trang bị diện tích Bộ phận một cửa đúng như Quyết định 09 của Chính phủ. Bên cạnh đó là quy định về trang thiết bị bên trong, từ mặt bàn và ghế ngồi giao dịch, đến chỗ ngồi chờ cho công dân, bàn tư vấn hướng dẫn... đều phải phù hợp. Đối với vách ngăn kính, Sở Nội vụ lưu ý các đơn vị nếu không còn vách ngăn, cần bố trí vừa thuận tiện cho người dân, vừa đảm bảo an toàn cho trang thiết bị và hồ sơ tài liệu. |
Nâng cao chất lượng phục vụ là quan trọng nhất Cán bộ một cửa giờ được đào tạo rất chuyên nghiệp về tác phong phục vụ, nên việc ngăn kính cũng chỉ là khoảng cách ước lệ chứ không phải bản chất vấn đề. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng phục vụ, CB, CC giữ được chuẩn mực giao tiếp. Khi đã có điều đó thì mọi yếu tố khác đều không ảnh hưởng lớn. Còn bỏ hay không bỏ vách ngăn kính, nên cân nhắc kỹ vì vẫn phải đảm bảo văn minh lịch sự, tránh công dân có thái độ quá đà. Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thúy
Bỏ vách ngăn giúp cán bộ tu dưỡng kỹ năng giao tiếp Nhằm tạo thân thiện, giúp công dân dễ quan sát, phường định bỏ hết kính ngăn và bố trí người ngồi ngoài cao hơn cán bộ bên trong. Nhưng muốn vậy phải đầu tư thêm mặt bàn bằng kính để đặt máy tính ở dưới, giúp hai bên ngồi nói chuyện mà vẫn giao dịch bình thường. Bên cạnh đó, làm sao vừa bảo vệ tài sản, hồ sơ, vừa bảo vệ được cán bộ, vì hiện tượng người dân có thái độ thái quá đã từng xảy ra tại phường cách đây mấy năm (do công dân có hơi men trong người). Hơn nữa, mỗi ngày cán bộ phải tiếp xúc gần với rất nhiều người nên dễ lây bệnh đường hô hấp, nhất là khi có dịch. Dù phải cân nhắc nhiều vấn đề, nhưng mục đích lớn nhất vẫn là tạo được giao dịch thân thiện. Đặt vấn đề bỏ vách ngăn để tiếp xúc trực tiếp với người dân cũng chính là tạo cơ hội cho cán bộ tu dưỡng kỹ năng giao tiếp. Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn Vũ Thị Hoài Thu
Vách ngăn gây nhiều bất tiện cho cả người dân và cán bộ Với công dân cao tuổi có thính giác kém, nhiều khi chúng tôi phải nói to hơn bình thường thì các bác mới nghe thấy. Hoặc khi cần hướng dẫn tờ khai, vướng vách ngăn nên cán bộ phải đứng dậy đưa tay qua ô kính, chỉ vào từng dòng cho công dân. Vách ngăn kính gây nhiều bất tiện với người dân và cả cán bộ, nhưng nếu bỏ, lại cần bố trí một chỗ dưới mặt bàn cho CB, CC để tài liệu, lưu hồ sơ. Cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ trước khi quyết định bỏ, trong đó cần tính toán đầu tư thêm thiết bị để giao dịch thuận lợi nhất. Chị Vương Thị Ánh Tuyết - cán bộ một cửa phường Thanh Trì
Nên bố trí ô cửa thoáng, rộng
Không ít nơi đã bỏ vách ngăn nhưng tôi nghĩ, cũng tùy điều kiện mà có cần bỏ hay không. Nhiều Bộ phận một cửa vẫn để vách ngăn nhưng khoảng cách ô cửa rộng, hoặc cắt 20 - 30cm phần kính bên dưới, chỉ để kính phía trên, vẫn rất thuận tiện, thân thiện. Hơn nữa, nếu bỏ vách kính, người dân thấy thoải mái, nhưng cán bộ dễ bị lây truyền bệnh hô hấp, mà không thể bịt khẩu trang khi nói chuyện. Để tạo thân thiện, quan trọng không phải là bỏ vách ngăn, mà ở thái độ giao tiếp của CB, CC. Nhiều nơi còn bố trí riêng một người hướng dẫn công dân kê khai, giúp họ không phải nhiều lần hỏi cán bộ tiếp nhận hồ sơ, trong khi cán bộ họ đang phải giải quyết nhiều việc, có khi gây cáu gắt.
Anh Nguyễn Văn Long - tổ 5 phường Cầu Diễn
Cần bố trí vách ngăn kính thấp để dễ nói chuyện
Vách ngăn kính không gây xa cách nhưng làm cho cán bộ và người dân khó nghe khi nói chuyện, người dân phải cúi đầu xuống ô cửa. Nhưng nếu bỏ hẳn kính ngăn thì không an toàn cho bảo quản hồ sơ tài liệu, nhất là khi CB, CC chạy đi nơi khác để giải quyết hồ sơ. Nên có thể bố trí vách ngăn sát mặt bàn và thấp hơn mặt hai người nói chuyện (cao 10 - 20cm), chỉ nhằm ngăn cách tài liệu là được.
Chị Lê Thị Minh Thu - Công ty CP ĐTTM Đại Thành
|