Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn còn hơn 1.400 hộp pate Minh Chay chưa thu hồi được

HUY KHÁNH - HUY CHƯƠNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/9, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm (BQLATVSTP) đã tổ chức Họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Huy Chương
Còn hơn 1.400 hộp pate Minh Chay chưa thu hồi được
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng BQLATTP TP, thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TP về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo tinh thần công văn 995/ATTP-NĐTT ngày 29/8/202 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, BQLATTP đã triển khai tổ chức thực hiện các nội dung.
Trong ngày 30/8/2020, BQLVSATTP đã tiến hành rà soát, nắm bắt thông về số cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn TP đã mua và sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay do Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới kinh sản xuất (bao gồm: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nam Heri Hương thảo Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi), với thông tin là có 1.290 người tiêu dùng mua 1.559 hộp sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới trên địa bàn TP.
 Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng BQLATTP TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương
Ngày 31/8/2020, BQLATTP đã yêu cầu lãnh đạo 24 quận, huyện khai thực hiện xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm tinh thần chỉ đạo của Cục ATTP, Bộ Y tế nêu trên (công văn số BQLATTP-NĐTP của BQLATTP). Đồng thời BQLATTP tiến hành xác minh, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đang sử dụng và thu hồi các sản phẩm nêu trên.
Số người tiêu dùng mua sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới là 1.223 người; Số người tiêu dùng đã liên hệ được: 1.101 người; Số người tiêu dùng chưa liên hệ được: 122 người; Tổng số sản phẩm đã thu hồi: 103 hộp. Trong đó, riêng trường hợp một khách hàng tại Quận 5, mua 3 hộp sản Pate Minh Chay, đã sử dụng hết 1 hộp và đem tặng 2 hộp cho một người cùng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban Quản lý ATTP đã liên hệ và cung cấp tin cảnh báo cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa – Vũng.
Đến ngày 01/09/2020, theo thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn TP, các bệnh nhân có sử dụng thực phẩm Pate Minh Chay nêu trên nhập viện như sau: Bệnh viện Chợ Rẫy: 06 ca, trong đó có 02 ca được chuyển từ Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, 02 ca được chuyển từ chuyển từ Đa Khoa tỉnh Đồng Nai và 02 ca được chuyển từ Bệnh viện Bà Rịa. Bệnh viện Nhiệt Đới: 02 ca (02 ca được chuyển từ Bệnh viện Long An) Bệnh viện 115: 01 ca (Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Bình Dương)
BQLATTP tiếp tục kiểm tra việc sử dụng pate Minh Chay, tổng hợp báo cáo Cục ATTP và xin ý kiến về xử lý tiếp theo các trường hợp có liên quan.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, vấn đề đáng lo ngại là mới chỉ thu hồi được 103 hộp pate Minh Chay, tỷ lệ chưa đến 10%, vẫn còn hơn 1.400 hộp pate Minh Chay chưa thu hồi được, chưa rõ đi về đâu. Bên cạnh một số người dân nhiệt tình hợp tác, vẫn còn một số không tích cực, không cung cấp đầy đủ thông tin, hoặc cung cấp thông tin mù mờ như có mua không nhớ là ăn chưa...
Các sản phẩm do Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới kinh sản xuất 
Vì sao công bố thông tin chậm?
Các cơ quan truyền thông đặt ra hàng loạt vấn đề như trách nhiệm của BQLATTP, vì sao công bố thông tin chậm, tình hình của các bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực, chống độc người lớn, Bệnh viện Nhiệt Đới cho biết, từ ngày 7/7, Bệnh viện Nhiệt đới có tiếp nhận 2 ca bệnh là chị em ở Long An. Người chị nhập viện trước với bệnh cảnh sụp mi mắt, nói khó, nuốt khó. Lúc đầu chưa nghĩ là ngộ độc thực phẩm, chỉ nghĩ là bệnh lý thần kinh. Ngày hôm sau người em nhập viện, có cùng bệnh cảnh, Bệnh viện đã mở khí quản cho thở máy...  Từ 2 ca bệnh có chung bệnh cảnh dẫn đến phán đoán không phải là bệnh lý thần kinh riêng lẻ, có thể ngộ độc hoặc vụ việc có tính chất gia đình. Liên hệ bên Chợ Rẫy, họ cũng có 5 ca có cùng bệnh cảnh như vậy. Tất cả các bệnh nhân đều có điểm chung là ăn món pate Minh Chay. 
Về tình hình của các bệnh nhân, hiện nay người em đã được cai thở máy, người chị đã hơn một tháng vẫn còn trong tình trạng bị liệt, phải thở máy.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, độc tố vi trùng tác động lên hệ thần kinh, thần kinh ngoại biên, liệt cơ đối xứng hai bên, sụp mí mắt, nói khó, nuốt khó liệt từ trên xuống dưới.
“Lúc đầu hơi khó khăn chứng minh bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum, typ B. Sau đó Bộ Y tế làm việc với doanh nghiệp sản xuất, lấy mẫu, phân lập và nuôi cấy mới chứng minh được trong sản phẩm có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, typ B, vì vậy vụ việc xảy ra từ tháng 7/2020, mãi gần đây mới công bố” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo lý giải vì sao chậm công bố thông tin.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, trong môi trường yếm khí, từ bào tử nảy mầm ra vi trùng, sản sinh ra độc tố. Y văn thế giới cũng ghi nhận có trường hợp cho trẻ em uống mật ong cũng bị nhiễm độc Clostridium botulinum. Hiện nay trên thế giới có vaccine kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum nhưng phải điều trị trong 3 ngày đầu bị nhiễm, giá thành rất cao, hiện nay Việt Nam chưa nhập loại thuốc này. Đối với những ca nhiễm độc, có trường hợp cần đến 100 ngày để bệnh nhân hồi phục. Đây là độc tố nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khoảng 20%.