Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 4069 về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, gửi lấy ý kiến một số bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện.
Bộ GTVT, khi thông qua chủ trương đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư để hoàn trả vào ngân sách.
Cụ thể, trong công văn xin ý kiến các bộ liên quan về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho biết hiện có 12 tuyến đường cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá, mức thu dao động 1.000 - 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi)/km tùy theo phương án tài chính của dự án. Mức thu bình quân là 1.652 đồng/PCU/km.
Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí cao tốc đầu tư công với các tuyến: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; một số đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, và cầu Mỹ Thuận 2.
Theo Bộ GTVT, mức thu phí sẽ được xác định trên các nguyên tắc cơ bản: mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; mức thu phí được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; mức thu được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên chủ đề thu phí đối với cao tốc đầu tư công được nhắc đến. Trước đó, vào năm 2021, Bộ GTVT từng có công văn gửi các bộ xin ý kiến về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong văn bản trên, Bộ GTVT cho biết, tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/7/2017 về quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.
Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thông qua trạm thu phí đối với 8 đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí.
Mức thu phí được Bộ GTVT dự kiến từ 1.000 - 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn (PCU/km), tùy từng tuyến; áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc áp dụng thu phí đường cao tốc có thể làm tăng chi phí đi lại của người dân, DN. Thứ nữa việc dùng tiền thuế của dân đầu tư xây dựng đường rồi lại thu phí của chính người dân sử dụng đường đó là không hợp lý. Tôi cho rằng nên cân nhắc chủ trương thu phí đường cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh
Đến cuối năm 2022, vấn đề thu phí cao tốc đầu tư công một lần nữa được Bộ GTVT nhắc lại. Cụ thể, trong cuộc họp giao ban tháng 11/2022 của bộ diễn ra vào ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công.
Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh, phương thức nhượng quyền nếu thực hiện được sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác. “Cơ chế phải có sự đột phá và đáp ứng được yêu cầu của DN trong nước và nước ngoài” – ông Thắng nói.
Lo ngại tăng gánh nặng cho người dân và DN
Như đã nói ở trên, chủ đề thu phí cao tốc đầu tư công đã được đưa ra bàn luận rất nhiều lần trong thời gian qua. Một trong những vấn đề dư luận nói đến nhiều nhất là liệu chủ trương này có gây ra tình trạng phí chồng phí không, khi mà người dân đã nộp thuế để đóng góp vào ngân sách Nhà nước, giờ mang ngân sách đó ra làm đường, lại thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ một lần nữa đối với người dân?
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thu phí tuyến cao tốc làm bằng tiền ngân sách là vô lý và sẽ khiến phí chồng phí. “Người dân đã nộp thuế rồi, giờ lại bắt người dân phải trả thêm phí để đi trên tuyến cao tốc xây dựng bằng tiền ngân sách tức là bằng tiền thuế đóng góp của Nhân dân là không hợp lý” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí, đồng thời tạo áp lực lớn lên người dân, DN nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) lại ủng hộ chủ trương thu phí cao tốc đầu tư công. Ông Chủng cho rằng, chủ trương này sẽ tạo công bằng xã hội, theo nguyên tắc người hưởng dịch vụ tốt hơn thì phải trả phí.
Hiện nay phí sử dụng đường bộ đóng theo đầu ô tô hàng tháng cho Quỹ Bảo trì đường bộ là để bảo trì hệ thống mạng đường huyện, tỉnh, quốc lộ. Do vậy, tôi cho rằng việc thu phí đường cao tốc đầu tư bằng vốn Nhà nước để lấy tiền bảo trì cho chính tuyến đường đó và có nguồn đầu tư các tuyến đường khác không phải là phí chồng phí” – PGS.TS Trần Chủng nói.
Vị lãnh đạo VARSI cũng cho rằng, nguồn lực của Nhà nước luôn có hạn nên đầu tư đường chỉ cung cấp mức độ tối thiểu. “Nếu đường cao tốc không thu phí sẽ mất tính ưu việt khi tất cả loại xe đều đi vào đó, khiến tốc độ đi lại rất chậm” – ông Trần Chủng cho hay.
Về nguyên tắc thu phí thứ nhất phải đảm bảo lợi ích của người sử dụng luôn có chất lượng tốt hơn so với đi đường cũ trước đây. Thứ hai phải đảm bảo khả năng chi trả của DN, người dân. Thứ ba phải phù hợp với điều kiện khai thác và từng khu vực, từng vùng miền để có mức thu phí hợp lý. Và điều quan trọng thứ 4 là việc thu phí trên đường cao tốc có thể chỉ nhằm bảo đảm bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng, chứ không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh