Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, nhiều DN lao đao vì tác động của dịch Covid-19. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia đây cũng là cơ hội để các DN khẳng định giá trị phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, xây dựng văn hóa DN. Những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng văn hóa DN đã được “mổ xẻ” tại hội thảo “Văn hóa DN và Phát triển thương hiệu” do Bộ VHTT&DL cuối tuần qua.

Sự khởi tạo mới
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa DN Việt Nam. Trong bối cảnh không ít DN lao đao vì đại dịch Covid-19, văn hóa DN càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững.
Chẳng hạn trong điều kiện kinh doanh bình thường, Vietnam Airlines xây dựng hình ảnh là hãng hàng không quốc gia, 5 sao hàng đầu châu Á với những giá trị cốt lõi như an toàn là số 1, khách hàng là trung tâm, người lao động là tài sản quý giá nhất, không ngừng sáng tạo, tập đoàn hàng không có trách nhiệm... Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm đến nay, các địa phương bị giãn cách, nhiều chuyến bay bị hủy, các điểm đi, điểm đến dừng đón khách...
 Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Vietnam Airlines đã tạo nên những giá trị mới bằng sự xung phong vận chuyển hàng cứu trợ phòng, chống dịch. Ảnh: Trần Dũng
Vietnam Airlines thay vì nằm im chờ đợi hết dịch đã tạo nên những giá trị mới bằng sự xung phong vận chuyển hàng cứu trợ phòng chống dịch, phi công, tiếp viên xung phong tham gia hàng chục chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Mỹ, Guinea Xích đạo...
Hãng hàng không này sáng tạo ra các quy trình mới, các thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển khách, người lao động đồng lòng giảm lương, giãn việc, động viên hỗ trợ nhau, hỗ trợ làm việc ở khu cách ly; tăng cường an toàn cho nội bộ và hành khách... Đây chính là sự khởi tạo thực tại mới.
Ví dụ khác như tập đoàn Viettel, đơn vị này muốn mang sứ mệnh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt khi thực hiện các cuộc họp trực tuyến phục vụ Chính phủ điều hành chống dịch; hỗ trợ giải pháp công nghệ cho 11 quốc gia chống dịch; miễn giảm cước truy cập internet cho giáo dục trực tuyến; triển khai nền tảng y tế trực tuyến giúp hàng trăm triệu người ở 11 quốc gia cập nhật tin dịch bệnh...
“Như vậy, khủng hoảng chính là cơ hội để DN thể hiện sứ mệnh lớn hơn” - Giám đốc điều hành Công ty CP phát triển nội dung Blue C Lê Quang Vũ nhận định. Vì trong đại dịch Covid-19 vừa qua, còn rất nhiều DN khác trên cả nước cũng đã xây dựng được văn hóa DN bằng việc khởi dựng những giá trị nhân văn.
Không quyết định bằng tiền
Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa DN, đặc biệt là truyền thông nội bộ đang là vấn đề quan trọng và được sự quan tâm, tổ chức chú trọng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, đối với không ít DN hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản.
Với quan điểm: “Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu”, tại hội thảo, các chuyên gia phân tích, trên thực tế, có đến hơn 80% các DN khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Theo các chuyên gia về xây dựng thương hiệu, các DN hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng. Tiền không phải là yếu tố duy nhất để hình thành văn hóa DN tại mỗi đơn vị.
Theo Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA Nguyễn Đình Thành, ngay từ khi thành lập, văn hóa DN đã tồn tại.
Tại một hội thảo năm 2018, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI nhận định: Lâu nay, các DN thường chỉ quan tâm đến các yếu tố liên quan đến chất lượng sản phẩm như độ bền, hình thức trong khi chất lượng của các dịch vụ đi kèm thì lại ít được quan tâm.
“Văn hóa DN không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ một giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày, từng giờ tác động đến hoạt động của DN. Một DN không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình” – ông Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.

"Sự đo lường văn hóa DN chính là đo lường về sự gắn kết, tham dự, chia sẻ; đo lường sự năng động, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro; có kế hoạch, có mục tiêu... " - Giám đốc điều hành Công ty CP phát triển nội dung Blue C Lê Quang Vũ