Văn hóa Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính: Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội năm 2008 đã được Quốc hội, Đảng và Nhà nước thông qua như một thực tế có ý nghĩa lịch sử liên quan đến sự phát triển của đất nước trong thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo. Ở góc độ văn hóa lịch sử, sự kiện này là một tiến trình đáng lưu tâm.

 Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Văn Phúc
Hết lòng cho Hà Nội
Trước đó cả ngàn năm, cuộc dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau này đổi tên là Thăng Long) năm 1010 với “Chiếu dời đô” của triều vua Lý Thái Tổ đã đưa lịch sử đất nước sang một trang mới của sự trường tồn và phát triển huy hoàng. Tôi không có ý định so sách việc dời đô về Thăng Long của vua Lý Thái Tổ trước đây với việc gần 1000 năm sau đó. Nhưng việc “dời đô” và “mở rộng kinh đô” Thăng Long - Hà Nội ở các thời đại khác nhau đều có tầm nhìn, mục đích, ý nghĩa hoàn toàn khác nhau và các thế hệ sau, chúng ta sẽ có những nhận định khách quan về “Tầm nhìn lịch sử” của các sự kiện này.

Tôi chỉ muốn nhắc tới một điều đáng chú ý, năm 2008 là thời điểm chỉ còn 2 năm nữa là đất nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta đã mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Phải chăng, để kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, chúng ta cũng đã làm được một việc có “ý nghĩa lịch sử” là mở rộng địa giới hành chính Thủ đô để hướng tới sự phát triển, đổi mới của cả đất nước thời hiện đại?

Năm 2010, trong một lần trao đổi với cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục - người được TP mời viết 2 kịch bản cho Đại lễ lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã nói với tôi những lời chiêm nghiệm: “Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thủa…”.

Cũng trong lần trò chuyện đó, Nguyễn Khắc Phục còn cho biết, ông đã viết kịch bản chi tiết cho toàn bộ đêm hội văn hóa nghệ thuật này diễn ra trong đúng 100 phút theo yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ lúc đó. Trong cuộc đời sáng tạo của mình, Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, và mấy chục kịch bản lễ hội, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, Nguyễn Khắc Phục vẫn không ngừng sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Tôi nhắc lại mấy câu chuyện nói trên để nói rằng, trong thời điểm quan trọng mang ý nghĩa lịch sử của sự kiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một nhà văn đồng thời là nhà văn hóa rất uyên bác như Nguyễn Khắc Phục đã sống hết mình trên từng trang viết để cống hiến cho Thăng Long ngàn năm và cho Hà Nội hôm nay ở góc độ văn hóa lịch sử.
 Lầu Công chúa, khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Văn Phúc
Quan tâm gìn giữ các giá trị văn hóa

Vậy bề dày văn hóa lịch sử của Thủ đô mang dấu ấn, hơi thở ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông muôn thuở nằm ở đâu nếu không phải là hệ thống những di tích ngàn xưa, là các giá trị văn hóa truyền thống, các áng hùng văn, các giá trị văn hóa phi vật thể bao đời để lại? Có thể khẳng định, sau thời điểm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các cấp ngành của TP đã rất quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy, lan tỏa.
TP cũng tạo điều kiện để bảo tồn, phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm được tổ chức thành công, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội, tạo ấn tượng tốt trong dư luận cả nước và bạn bè quốc tế.

TP Hà Nội luôn khẳng định, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là nguồn sử liệu quý giá, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển của Thủ đô và dân tộc. Đáng chú ý, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa lại là các huyện của vùng văn hóa xứ Đoài như các huyện: Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích)… Trong khi đó, các địa phương có ít di tích tập trung chủ yếu là các quận nội thành như: Thanh Xuân (29 di tích), Ba Đình (47 di tích), Cầu Giấy (49 di tích), Hai Bà Trưng (51 di tích), Hoàn Kiếm (66 di tích)… Danh mục này cho thấy nền văn hóa văn hiến Xứ Đoài xưa đã góp phần lớn vào việc bồi đắp cho nền văn hóa văn hiến Thăng Long ngàn xưa.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP. Sau khi công bố danh mục kiểm kê di tích, Sở VH&TT Hà Nội đã bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã quản lý theo quy định phân cấp quản lý Nhà nước và yêu cầu triển khai các quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Theo yêu cầu của UBND TP, định kỳ hàng năm, Sở VH&TT phải tổng hợp số liệu về những biến động số lượng di tích để phục vụ công tác quản lý.

Trong 10 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hàng năm, TP yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng từng di tích để có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, các quận, huyện cố gắng xử lý các di tích xuống cấp trong điều kiện hiện có. Những di tích đủ điều kiện xếp hạng thì phải hoàn thiện hồ sơ báo cáo TP, Bộ VHTT&DL để triển khai đánh giá xếp hạng. Hà Nội cũng cho rằng cần phát huy giá trị của các di tích như làm công tác tuyên truyền thu hút người dân đến thăm quan và tăng cường xã hội hóa, mỗi quận, huyện cần chọn 1 - 2 di tích tiêu biểu và phối hợp với các ngành chức năng đưa các di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan, góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.
Điểm qua những việc đã làm được nói trên để thấy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính và phát triển, Thủ đô Hà Nội với việc bảo tồn và tôn vinh hệ thống những di tích văn hóa lịch sử ngàn xưa, các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể vẫn xứng danh là vùng đất văn hiến ngàn năm có bề dày trầm tích văn hóa lịch sử vào bậc nhất của đất nước Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần