Văn hóa ứng xử - Hạn chế những “con sâu làm rầu nồi canh”

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận lại xôn xao trước vụ việc về văn hóa ứng xử của một lãnh đạo DN đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh đối với một nữ nhân viên sân golf, hay vụ việc một chủ cửa hàng quần áo đối với một cô gái mua hàng ở chợ sinh viên.

Điều đó lại dấy lên vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội mà lâu nay người ta thường nhắc đến. Sau những vụ việc xảy ra đặt ra câu hỏi, cần làm gì để nâng cao văn hóa ứng xử?. Việc giữ gìn truyền thống đạo đức tốt đẹp giữa người với người cũng là vấn đề đáng suy ngẫm.

Những hành vi đáng lên án

Với vụ việc lãnh đạo DN đánh nữ nhân viên sân gofl, cụ thể ngày 6/12 một nhóm khách, trong đó có ông Nguyễn Viết Dũng - lãnh đạo một DN đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đến chơi tại sân golf BRG Đà Nẵng, hai caddy (nhân viên hướng dẫn và phục vụ khách chơi golf) là chị L và một phụ nữ khác được cử phục vụ nhóm khách. Trong khi chơi, do bất đồng với chị L và nhân viên còn lại về việc tính số gậy đã chơi trong một hố, ông Dũng đã dùng gậy golf đánh chị L khiến chị nhập viện.

Ngay sau khi xảy ra các vụ việc, dư luận đều bức xúc và cho rằng đây là những hành động không thể chấp nhận đối với một đại biểu HĐND dù việc nhân viên sân golf chưa đồng nhất giữa hai bên. Đáng nói, khi vụ việc bị phanh phui, ông Dũng còn lớn tiếng bao biện cho hành động của mình và chỉ trích các cơ quan truyền thông đưa tin không đúng sự thật.

Một cô gái trẻ bị đánh, chửi tới tập khi đến một cửa hàng quần áo mua hàng ở chợ nhà Xanh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh cắt từ clip.
Một cô gái trẻ bị đánh, chửi tới tập khi đến một cửa hàng quần áo mua hàng ở chợ nhà Xanh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh cắt từ clip.

Ở một vụ việc khác, rạng sáng 9/12, trên mạng chia sẻ lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ bị đánh, chửi tới tập khi đến một cửa hàng quần áo mua hàng ở chợ nhà Xanh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo như chia sẻ trên mạng xã hội, vào tối ngày 9/12, hai cô gái đi mua quần áo trong chợ nhà Xanh và được chủ cửa hàng báo giá và hai bên có trao đổi về vấn đề giá cả. Ngay sau đó, người phụ nữ được cho là chủ cửa hàng đã hàng vi côn đồ, mắng chửi rồi đuổi hai cô gái ra khỏi cửa hàng. Vụ việc cũng khiến dư luận bức xúc vì cách hành xử của chủ cửa hàng với khách. Dù sự tình chưa biết ai đúng ai sai nhưng hành động côn đồ của người phụ nữ lại đáng lên án, chính cách xử sự của chủ cửa hàng càng làm mất hình ảnh của cả khu chợ, khiến mọi người càng có đánh giá không tốt về văn hóa ứng xử của các tiểu thương trong chợ.

Hai vụ việc kể trên là một trông nhiều vụ việc khác liên quan đến văn hóa ứng xử. Những vụ việc tạo ra tiền lệ xấu về văn ứng xử đã và đang len lỏi ở khắp các nơi trong xã hội, từ công sở đến trường học. Đó là những hành vi đáng lên án, những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt gìn giữ trong hàng thập kỷ. Văn hóa ứng xử là chiếc chìa khóa để mỗi cá nhân kết nối với xã hội, tiếp xúc với hiểu biết, văn minh, lịch sự, là kim chỉ nam dẫn dắt giúp cuộc sống được tốt đẹp hơn. Thực hiện tốt văn hóa ứng xử giúp mối quan hệ giữa người với người thêm gắn kết. Mỗi người cư xử với nhau trên cơ sở tôn trọng, dùng chan hòa, tình thương để xoa dịu vấn đề, đứng trên vị trí của người khác để cảm thông và thấu hiểu sẽ là cách mở nút nhanh nhất cho mọi hiềm khích.

Cần phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử

Trước các vụ việc liên tiếp diễn ra, xã hội tiếp tục lo ngại về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử và làm thế nào để loại bỏ những câu chuyện không đáng có.  Thực tế, rất nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội luôn quan tâm đến nâng cao văn hóa ứng xử cho người dân, TP đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử nhằm nâng cao văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Lại Tấn.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Lại Tấn.

Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân cần tự giác ý thức, nâng cao hiểu biết về văn hóa ứng xử, áp dụng vào thực tế cuộc sống, từ đó hình thành lối ứng xử văn hóa văn minh. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần mạnh mẽ lên tiếng, dám phản ánh, phê bình những hành vi ứng xử thiếu văn hóa một cách quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền  giáo dục về đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên cần được quan tâm, bởi đây là thế hệ trẻ cần sớm được hình thành nhân cách theo chuẩn mực. Trong đó, biện pháp hữu hiệu nhất là giáo dục phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, để làm thay đổi nhận thức và ý thức của người dân là một quá trình lâu dài. Nhưng ngành văn hóa cũng như các địa phương cần kiên trì tuyên truyền, vận động người dân theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Việc tuyên truyền cần thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi để dần dần hình thành một nếp ứng sử mới cho người dân.

Văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng là một trong những “lát cắt” quan trọng phản ánh văn hóa cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Thực tế cũng cho thấy những hành vi phản văn hóa trong ứng xử hiện nay đã giảm hơn nhiều so với trước. Nhưng để hạn chế và dần loại bỏ những hành vi không tốt trong văn hóa ứng xử, bên cạnh ý thức của người dân, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh hơn nữa.