Vàng vượt ngưỡng 72 triệu đồng/lượng
Đến trưa ngày 7/3, tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội đã trong tình trạng quá tải vì lượng người tới giao dịch tăng mạnh. Từ cuối tuần trước, khi giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh, lượng người dân đến giao dịch tăng. Trong đó chủ yếu thăm dò giá, lượng người mua ít hơn bán ra.
Diễn biến giá vàng trong phiên sáng 7/3 đầy bất ngờ. Chỉ trong vòng vài tiếng, mỗi lượng vàng đã tăng hơn 3,2 triệu đồng chiều thu mua, và xấp xỉ 3,9 triệu đồng ở chiều bán ra, mức giá cao nhất trong lịch sử lên 72,87 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều thu mua là 71,25 triệu đồng/lượng (cao hơn đến 9 triệu đồng/lượng so với mức kỷ lục hồi tháng 8/2020). Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đang tăng nhanh hơn, khiến chênh lệch giá lên tới 17 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào 55,8 triệu đồng/lượng và 56,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.980 USD/ounce, tương đương 54,62 triệu đồng/lượng. Trong khi vàng trong nước đến 14 giờ chiều lên tới 72,85 triệu đồng, tăng tiếp 1 triệu so với buổi sáng, cao hơn thế giới 18 triệu đồng.
Kỷ lục mọi thời đại của giá vàng thế giới là mức hơn 2.000 USD/ounce thiết lập vào tháng 8/2020, ở thời điểm đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ vượt 61 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh do xung đột vũ trang Nga - Ukraine thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn. Bên cạnh đó, một hệ luỵ khác của xung đột này khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, gây áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu. Điều này càng có lợi cho giá vàng, vì vàng là kênh đầu tư được ưa chuộng để chống lại sự mất giá của tiền giấy.
Hiện giới đầu tư đang dõi theo cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/3 tới. Theo dự đoán, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể thông báo về sự thắt chặt tiền tệ thông qua nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến xu hướng của kim loại quý.
Đổ xô bán chốt lời, sốt ruột "đu đỉnh"
Giá vàng trong nước tăng cao lịch sử khiến thị trường vàng chứng kiến 2 trào lưu trái ngược nhau. Nhiều người đổ xô mang vàng đi bán kiếm lời, trong khi cũng không ít nhà đầu tư sốt ruột mua vào dù vàng đang ở đỉnh lịch sử.
Theo ghi nhận ở nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, sáng nay số lượng người có vàng tích trữ đến bán tăng lên khiến giao dịch bên trong cửa hàng khá nhộn nhịp.
"Gia đình tôi tích góp được chút ít, thấy giá vàng lên cao mà nhà lại đang có việc cần đến tiền mặt nên tôi quyết định mang số vàng đi bán để giải quyết công việc gia đình"- chị Kim Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Anh Tuấn Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, theo dõi mấy ngày nay thấy giá vàng tăng liên tục, đỉnh điểm sáng nay vượt 72 triệu đồng/lượng, anh đã quyết định bán để chốt lời. So với thời điểm mua vào, anh đã lãi 10 triệu đồng/lượng. ''Ngưỡng đó là chốt lời được rồi, vì tôi sợ vài hôm nữa vàng lại xuống giá"- anh Minh tâm sự.
Thay vì bán vàng ra, một số người bắt đầu sốt ruột, cầm tiền đi mua vàng vì tin rằng vàng còn tăng tiếp. Chị Hà Anh (quận Cầu Giấy) dự báo, căng thẳng thế giới không thể kết thúc một sớm, một chiều.
"Vì thế, vàng vẫn là kênh đầu tư mang tính trú ẩn mà nhiều người lựa chọn. Chuyên gia cũng dự báo, vàng còn tăng giá nữa nên tôi chọn mua vào. Dù giá thời điểm này đúng là đã tăng khá cao"- chị Anh cho hay.
Một số người cho biết thêm sẽ chờ 1-2 phiên nữa giá điều chỉnh xuống sẽ mua lại. Tuy vậy, các chuyên gia đều khuyến cáo không nên đu đỉnh mua vàng lúc này, do hiện giá vàng miếng SJC đang quá cao so với giá vàng thế giới.
“Giá vàng hiện tại đã lên cao quá rồi, nên độ rủi ro là quá lớn cho nhà đầu tư. Giá vàng tăng đến ngưỡng nào đó, giới đầu cơ trên thế giới không đẩy giá vàng lên nữa thì thị trường sẽ điều chỉnh”- Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam Trương Hiền Phương nhận định.