Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vật liệu xây dựng không nung: Khó cạnh tranh trên thị trường

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 10 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg về Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) đến năm 2020 nhưng đến nay, việc làm thế nào để đưa (VLXDKN) xâm nhập thị trường vẫn là bài toán làm “đau đầu” cả cơ quan quản lý và DN.

 Vật liệu xây dựng không nung khó cạnh tranh trên thị trường. Trong ảnh: Dự án nhà ở xã hội Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Doãn Thành

Lo ngại khi sử dụng
KTS Trần Huy Hoàng – Văn phòng KTS Trần Hoàng cho biết, khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định về việc sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng, những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đã được sử dụng vật liệu này nhiều hơn. Nhưng trong quá trình triển khai thi công và nghiệm thu đã xảy ra không ít sự cố.
Ví như, hồi tháng 7/2019, công trình điểm trường Mầm non Hà Vàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được xây mới, đang giai đoạn hoàn thiện, xuất hiện các vết nứt. Công trình này có tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Hay trước đó, cuối năm 2018, dư luận dấy lên lo ngại về chất lượng xây dựng trường THCS Cao Bá Quát, xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang, Khánh Hoà). Công trình được xây mới bằng vốn ngân sách với tổng kinh phí hơn 28,7 tỷ đồng, vừa bàn giao được 3 tháng đã xuất hiện nhiều vết nứt, nền có dấu hiệu lún. Cả hai công trình này đều có sử dụng VLXDKN.
Một trong những nguyên nhân khiến cho VLXDKN chưa thể cạnh tranh trên thị trường do việc triển khai thực hiện của các địa phương chưa nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát hạn chế. Thậm chí có những địa phương chưa thực sự quan tâm hoặc thiếu giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sử dụng VLXDKN cho công trình xây dựng trên địa bàn.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng Phạm Văn Bắc
Theo Giám đốc Công ty phụ kiện công nghiệp Phương Đông Nguyễn Công Thụy, thời gian qua, đã có nhiều DN đầu tư công nghệ và nghiên cứu để sản xuất VLXDKN, song loại vật liệu này chưa được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Nguyên nhân do đây là loại sản phẩm mới, chưa có thời gian kiểm chứng; quá trình sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu chất lượng. “Nhiều cơ sở sản xuất VLXDKN sử dụng công nghệ lạc hậu, theo hướng thủ công tự phát, chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Cơ quan quản lý chưa chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý, làm ảnh hưởng đến chất lượng và yêu cầu kỹ thuật của công trình, khiến cho người tiêu dùng lo ngại" - ông Thụy nhìn nhận.
Hoàn chỉnh công nghệ sản xuất
Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, DN có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXDKN với tỷ lệ như sau: TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 100%; các khu đô thị từ loại III trở lên thuộc đồng bằng trung du Bắc Bộ, Đông Nam Bộ tối thiểu 90%; khu vực còn lại tối thiểu 70%; đô thị từ loại III trở lên thuộc các tỉnh còn lại tối thiểu 70%; tại các khu vực khác tối thiểu 50%.
Tuy vậy, qua kiểm tra của Bộ Xây dựng cho thấy, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ này. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Trịnh Nam Hưng cho biết, giá thành gạch đặc không nung cao hơn gạch đặc nung có kích thước tương tự từ 20 - 30%, trọng lượng khối xây lớn hơn dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư. “Vì vậy, tỷ lệ sử dụng VLXDKN trong các công trình trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế” – ông Hưng cho hay.
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Xuân Đính đánh giá, hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng về VLXDKN chưa đầy đủ trong khi DN thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Vì vậy, để thúc đẩy sử dụng loại sản phẩm này cần phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn thi công và định mức xây dựng. Các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về sử dụng VLXDKN.
Để VLXDKN tìm được chỗ đứng trên thị trường, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam khẳng định, quan trọng nhất là các DN phải hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ để khắc phục nhược điểm của sản phẩm khi sản xuất, nhằm mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, sử dụng nhiên liệu hóa thạch.