Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về miền đất cổ

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 207 trước công nguyên, Thuận Thành, Bắc Ninh đã trở thành châu trị Giao Châu suốt nghìn năm Bắc thuộc. Thuận Thành còn là trung tâm phật giáo sớm nhất nước ta. Vốn xây dựng nền văn minh sớm, Thuận Thành có hệ thống di tích thời lập nước tiêu biểu là Kinh Dương Vương. Kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian tạo nên hệ thờ Tứ Pháp mẫu mực.

Kinh Dương Vương:
Là ông nội của Vua Hùng, người khai sinh nhà nước sơ khai đầu tiên của nước ta vào năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên. Sau này Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân.
 Khu đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương.
 Bên bờ sông Đuống có rồng phục vào đền và lăng mộ.
Khu đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương rộng 2.000 m2. Đền và lăng Kinh Dương Vương đã được các triều đại sắc phong, nay còn 15 sắc phong triều Nguyễn.

Những năm gầy đây khu di tich đền và lăng Kinh Dương Vương đã được Nhà nước đầu tư tôn tạo. Hàng năm vào ngày 14, 15, 16 tháng Giêng, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội trang nghiêm, với nhiều nghi thức và sinh hoạt văn hóa riêng có.
 Đền thờ Kinh Dương Vương.
 Khu lăng mộ thờ Kinh Dương Vương và  Lạc Long Quân, Âu Cơ. 
 Lăng mộ của Kinh Dương Vương.
Mùa xuân, ở đây diễn ra lễ Phục Ruộc để giúp con cháu các thế hệ tưởng nhớ Kinh Dương Vương, nhớ về cội nguồn với niềm tự hào dân tộc. Trước mặt khu lăng mộ vua thủy tổ là con sông có cái tên Thiên Đức (sông Đuống). Dù đã trải qua bao cuộc chiến tranh, nhưng phần mộ của thủy tổ vị vua đầu tiên vẫn nguyên vẹn trên nền đất cao. Quần tụ trên khu đất cùng với lăng mộ là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Chùa Dâu và hệ thờ Tứ Pháp:
Chùa Dâu được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Chùa là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ và phương Bắc. Cuối thế kỷ VI, nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này và lập nên một phái thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu trở thành trung tâm của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật, đào tạo tăng ni. Chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 1962.
 Chùa Dâu là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam, ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thời Tứ Pháp
Chùa Dâu là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam và kết hợp với tín ngưỡng bản địa. Người xưa kể lại, khi chưa có phật pháp truyền vào Việt Nam, người dân thấy mây thì thờ thần mây, thấy mưa thì thờ thần mưa, thấy sấm thì thờ thần sấm và thấy chớp thì thờ thần chớp nhằm xua đi những tai ương, cầu cho trời đất ôn hòa. Do vậy đây là ngôi chùa duy nhất của nước ta thờ Tứ Pháp gồm: Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), được dịch là thờ các thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp tại vùng Dâu.
 Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhất bao quanh ba ngôi nhà chính.
Đây là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, với bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhất bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương; gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng Điện để tượng bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp vũ), hai bên tượng bà Dâu là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ với khuôn mặt sống động trong tư thế của một điệu múa cổ xưa, phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá.
 Tháp chùa Dâu.
Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, chùa Dâu là trung tâm tổ chức lễ hội thờ Tứ Pháp. Theo tục lệ xưa, người dân nơi đây trồng dâu, nuôi tằm, cấy lúa chỉ mong cho thời tiết quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chính vì thế, chùa Dâu thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Hội chùa Dâu cũng mang ý nghĩa là cầu cho mưa thuận, gió hòa.

Chùa Bút Tháp:

Mặc dù là một ngôi chùa cổ và rất nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, nhưng chưa có tài liệu nào ghi rõ mốc chính xác năm khởi dựng. Theo sách Địa chí Hà Bắc (1982), chùa Bút Tháp có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Thiền sư Huyền Quang, đỗ Trạng nguyên năm 1297 đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen.
 Chùa Bút Tháp, có tháp giống hình cái bút.
 Thượng điện.
Sau bao biến cố bể dâu, triều chính thay đổi, chùa cũng đã xuống cấp. Chùa được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921 và gần đây vào năm 1992-1996. Đây là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.

Giống như các ngôi chùa cổ, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Chùa chính với 3 dãy nhà Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, nhà Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ thờ, hậu đường, với chiều dài hơn 100 m. Có tháp đá Tôn Đức năm tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị Thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.
 Chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc.
 Nối giữa Thượng điện và Tích thiên Am là chiếc cầu đá cong.
Phủ thờ nằm sau phật điện là ngôi nhà 5 gian có các pho tượng đặt biệt mà các chùa khác không có, đó là tượng chân dung Hoàng hậu thời nhà Lê bà tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành; pho tượng công chúa Ngọc Duyên; tượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.

Nối giữa Thượng điện và Tích thiên Am là một ngôi nhà có ba tầng mái là chiếc cầu đá cong bắc ngang qua. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng, mặt cầu lát đá xanh trơn nhẵn, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông hoa lá đã được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà.
 Các bức tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Ngọc Duyên; tượng Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ.
 Tháp cửu phẩm liên hoa.
Trong Tích thiện am, có Tháp quay Cửu phẩm liên hoa, tức là Tháp hoa sen chín tầng, tượng chưng cho 9 đài sen và có 8 mặt thể hiện 8 phương của nhà Phật, ngăn cách các tầng là một bức gỗ chạm cánh sen. Chín đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của nhà Phật. Tháp sen có thể quay được và người ta thường quay ngược kim đồng hồ. Mỗi vòng quay ngược của tháp ứng với 3.542.400 câu niệm phật.

Chùa Bút Tháp có 51 bức phù điêu được chạm khắc trên đá xanh mang đậm chất nghệ thuật, với nhiều chủ đề khác nhau, sống động chủ yếu tập trung vào chủ đề thiên nhiên và các con vật tứ linh trong thờ tự.
 Xung quanh chùa có 51 bức phù điêu khắc trên đá với nhiều chủ đề khác nhau.
Cạnh chùa có Tháp Bảo nghiêm giống hình cái bút. Năm 1876, khi vua Tự Đức đi qua đây thấy có cây tháp khổng lồ nên đã đặt tên cho chùa là Bút Tháp. Tháp cao 13,05 m, năm tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh; ngoài tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau, rộng 2 m. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29 m. Tháp được ghép bằng đá được điêu rất đẹp.

Chùa Bút Tháp được tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch, với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng thờ phật kết hợp với các nghệ thuật giao lưu văn hóa, thể thao, tạo nên nét khác biệt của vùng kinh Bắc.