Venice với biện pháp cực đoan

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Venice là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Italy, châu Âu và trên thế giới.

Ước tính hàng năm có từ 25 - 30 triệu du khách tới TP này. Quá nhiều và quá tải đối với đô thị. Du lịch là nguồn thu chính của Venice nhưng du lịch cũng lại là thủ phạm chính tàn phá TP và đe doạ tương lai của nó. Cho tới nay, chính quyền TP Venice và Chính phủ Italy đã đưa ra và áp dụng nhiều biện pháp để vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ được môi trường sinh thái, bảo tồn được kiến trúc đô thị độc nhất vô nhị trên thế giới ở Venice cũng như làm hài lòng người dân sống trong đô thị.
 
Dù là biện pháp nào thì cũng chỉ xoay quanh nội dung là hạn chế du khách hoặc bắt du khách phải nộp lệ phí cao. Xem ra, đúng như câu "mọi cái “quá” đều không tốt", Venice sống nhờ du khách nhưng không phải càng nhiều du khách càng tốt. Biện pháp chính sách mới nhất là bắt buộc du khách phải trả tiền để được vào TP , giống như mua vé để vào tham quan di tích. Trước đó, tất cả những du khách ngủ lại qua đêm ở Venice đều đã phải nộp một loại thuế đặc biệt, tính luôn vào giá phòng. Loại phí mới này nhằm vào diện du khách sáng đến tối đi, lại đa phần mang theo đồ ăn, thức uống và thưởng lãm thì nhiều trong khi mua sắm lại ít. Mức phí thấp nhất cho một người là 2,5 euro và cao nhất hiện tại là 10 euro cho một người, nhưng rồi tới đây sẽ tăng lên.

Cái câu "đồng tiền đi liền khúc ruột" xem ra là tư tưởng chỉ đạo của biện pháp chính sách này. Từ chuyện "mua vé vào thành phố" này, chính quyền đô thị sẽ dần tính tới những biện pháp tận thu khác nữa theo phương châm "dẫu không hạn chế được lượng du khách thì cũng kiếm được thêm tiền". Không ít TP du lịch khác ở Italy đang có ý định làm theo. Bài học từ đây đối với các đô thị khác trên thế giới là tổ chức, quản lý và phát triển du lịch đô thị sao cho luôn kiểm soát được tình hình thực tế chứ không bị phải chạy theo tình hình và đối phó bằng biện pháp cực đoan kiểu như thế.