Chiều 31/5, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề được phóng viên báo đài đặt ra, như: chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn; tuyển sinh đầu cấp, công tác phòng cháy chữa cháy; nhà TĐC cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án hiện đang bỏ trống hàng nghìn căn…
Về vấn đề căn hộ TĐC đang bị bỏ trống, lãng phí, đại diện Sở Xây dựng cho biết, TP Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai và các công trình công cộng trên địa bàn TP. Do đó, UBND TP phải chuẩn bị quỹ căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước để sẵn sàng bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án. Đây là tài sản công được quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
Về công tác bàn giao, tiếp nhận quỹ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ TĐC trên địa bàn TP, thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại nhiều công văn và quyết định, theo đó giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) tiếp nhận, quản lý 10.592 căn hộ.
Tính đến ngày 8/5, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, đã tiếp nhận quỹ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ TĐC trên đại bàn TP với tổng số căn hộ tiếp nhận theo chỉ đạo là 10.592 căn. Trong đó, căn hộ đã tiếp nhận là 9.808 căn, số lượng căn hộ đã bố trí theo quyết định là 1.382 căn, số căn hộ còn trống là 8.426 căn.
Trước đó, tại buổi họp báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/5, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo thống kê TP còn 11.042 căn nhà và nền đất dành cho đối tượng TĐC, trong đó 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách Nhà nước hiện đang để trống, để dành. Trong số này, TP chủ trương đấu giá 4.969, bao gồm 4.927 căn hộ, 42 nền đất (3.090 căn ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gần 1.000 căn ở huyện Bình Chánh). Về lý do chuyển qua đấu giá vì nguồn vốn tạo lập 2 khu này là từ ngân sách Nhà nước. Đối với 3.090 căn hộ ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm tạo lập bằng vốn vay ngân hàng, trước đây TP đã có chủ trương xin Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển từ căn hộ TĐC sang nhà ở thương mại.
Thời điểm đó, các đơn vị của TP tính toán giá gốc, giá thành xây dựng, vốn, lãi vay là 27 triệu đồng/m2, chưa kể tiền bồi thường về đất và các chi phí khác…; tới thời điểm hiện nay nếu cộng các loại tiền, chi phí bồi thường về đất, chi phí khác thì giá thành lên cao. Còn vì lý do tại sao không chuyển 3.090 căn hộ TĐC sang nhóm nhà ở xã hội (NƠXH)? Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, quy định của NƠXH rất khắt khe: NƠXH được miễn tiền sử dụng đất; NƠXH được tính toàn bộ các chi phí bao gồm chi phí bồi thường, các loại chi phí khác…, nên giá thành sẽ rất cao. Và, khi chuyển sang quỹ NƠXH, thì NƠXH lại có một quy định nữa là chỉ được nằm trong khu có diện tích từ 20m2 - 70m2. Do đó, trong 3.090 căn hộ, chỉ có 30% đáp ứng được diện tích 20m2 - 70m2, còn lại vượt qua diện tích này.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện nay, để thực hiện các dư án đầu tư công phải chuẩn bị trước quỹ nhà, quỹ đất, nếu không có quỹ đất sẽ không thực hiện được các dự án đầu tư công. Hiện nay TP đã dành 5.467 căn hộ và nền đất, trong đó 3.552 căn hộ và 1.915 nền đất để trống, sẵn sàng phục vụ cho 258 dự án đang triển khai trên địa bàn TP. Như vậy có 2 nhóm là nhóm chủ trương bán đấu giá và nhóm dành phân bổ cho TĐC đối với các dự án đầu tư công. Tất cả các nền đất của TP đều có mục tiêu rõ ràng, hiện Sở Xây dựng đang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhanh chóng nhanh chóng triển khai các thủ tục liên quan vấn đề pháp lý, liên quan thẩm quyền để tổ chức đấu giá quỹ nhà, căn hộ và nền đất…