Vì sao cuối kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 giao thông bị quá tải?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn giao thông giảm sâu nhưng ùn tắc giao thông tái diễn và đi cùng với đó là tình trạng quá tải của nhiều loại hình vận tải. Đây chính là những điểm nhấn đáng chú ý về tình hình trật tự, ATGT dịp nghỉ Tết vừa qua.

Ùn tắc cục bộ tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong ngày 5/2 (Ảnh: Vấn Tâm).
Ùn tắc cục bộ tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong ngày 5/2 (Ảnh: Vấn Tâm).

Ùn tắc cục bộ xảy ra nhiều nơi

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều chuyên gia cùng giới chuyên môn cùng chung nhận định, tình hình giao thông trong kỳ nghỉ Tết sẽ ổn định, thông thoáng hơn mọi năm trước do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh.

Tuy nhiên, những ngày cuối của kỳ nghỉ chứng kiến một cuộc “quay xe” bất ngờ khi người dân ùn ùn di chuyển khiến nhiều loại hình vận tải bị “vọt xà” và ùn tắc giao thông liên tiếp diễn ra.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 (từ 31/1 - 5/2), toàn quốc xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 77 người, bị thương 91 người.

So với 6 ngày cùng kỳ tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 giảm 17 vụ, giảm 17 người chết, giảm 7 người bị thương. TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí là một tín hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 lại chứng kiến sự quay trở lại của vấn nạn ùn tắc giao thông, đặc biệt trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ. Các ngày 4/2, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hướng từ các tỉnh về Hà Nội (đoạn qua Trạm thu phí Pháp Vân - Km188, nút giao Liêm Tuyền và nút giao vành đai 3 trên cao), lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao do người dân tập trung về Hà Nội.

Điều này khiến giao thông tại trạm thu phí Km188 và khu vực cửa ngõ vào TP Hà Nội bị ùn tắc. Lực lượng chức năng phải vất vả để phân luồng và điều tiết giao thông.

Tình trạng trên tiếp tục lặp lại trong những ngày sau đó khi trong các ngày 5/2 và 6/2, dòng người từ các địa phương lân cận tiếp tục đổ về Hà Nội khiến cho nhiều nút giao ở cửa ngõ Thủ đô rơi vào tình trạng quá tải. Cộng hưởng vào đó là điều kiện thời tiết xuất hiện mưa phùn càng khiến cho các điểm ùn tắc trở nên nghiêm trọng và ngột ngạt. Dù các điểm ùn tắc chỉ xảy ra cục bộ và không kéo dài nhưng đã ít nhiều khiến cho người tham gia giao thông mệt mỏi, nhất là những người vừa phải vượt một quãng đường dài từ quê nhà lên Hà Nội.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, những ngày từ 4 - 6/2, biển người từ các tỉnh, TP lân cận đổ về cũng khiến cho nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng quá tải. Đặc biệt là ngày 6/2 khi người dân từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đổ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tăng đột biến khiến giao thông trên QL1 xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.

Từ sáng 6/2, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau kéo dài nhiều cây số, di chuyển rất chậm trên QL1 tại đoạn qua địa bàn thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hướng từ miền Tây đi TP Hồ Chí Minh. Sự gia tăng lượng phương tiện cộng với ảnh hưởng triều cường càng khiến cho tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng.

Nhiều điểm ùn tắc cục bộ dọc trên QL1 từ các tỉnh miền Tây về TP Hồ Chí Minh đã xảy ra. Lực lượng chức năng các địa phương đã phải tăng cường lực lượng đứng chốt tại những nút giao trọng điểm để tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.

Sân bay Nội Bài đông kín người trong ngày 6/2 (Ảnh: Thanh Bình).
Sân bay Nội Bài đông kín người trong ngày 6/2 (Ảnh: Thanh Bình).

Vận tải hành khách đột ngột quá tải

Cùng với ùn tắc giao thông, những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 chứng kiến sự gia tăng đột biến của hành khách đi máy bay và tàu hỏa.

Đây là rất bất ngờ và trái với nhiều dự đoán trước đó khi cho rằng nhu cầu đi lại của người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm mạnh so với những năm trước.

Đáng kể nhất là vận tải hàng không. Từ ngày 5 - 8/2, hầu như tất cả chuyến bay của các hãng hàng không đều hết sạch vé phổ thông và phổ thông linh hoạt.

Thậm chí, những tấm vé hạng thương gia với giá đắt cắt cổ lên tới gần chục triệu đồng/chiều cũng trở thành tâm điểm tranh giành của nhiều người.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với đường sắt khi ngay sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, hành khách đi tàu hỏa bất ngờ tăng đột biến khiến các chuyến tàu kín chỗ.

Đại diện ngành đường sắt cho biết, lượng khách đi tàu bắt đầu gia tăng từ ngày 4/2 (tức Mùng 4 Tết) và thật sự đông từ ngày 6/2  (tức Mùng 6 Tết). Các chuyến tàu đến hai TP lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều trong tình trạng đông khách. Các chuyến tàu về ga gần như đã kín khách, chủ yếu chỉ còn vài ghế phụ.

Những chặng như Vinh - Sài Gòn, Nha Trang - Sài Gòn đều đã kín chỗ trên tất cả các đoàn tàu. Đáng chú ý có chặng ga Vinh – ga Sài Gòn chạy ngày 6/2 gần như không còn chỗ trống.

Chỉ có duy nhất vài ghế phụ chưa có người đặt.  Tất cả các mác tàu chính như SE1/2, SE3/4... đều kín chỗ.

Thậm chí các chuyến tàu chạy ngày 8/2 và 9/2 của những chặng Vinh - Sài Gòn, Đà Nẵng - Sài Gòn, Quảng Ngãi - Sài Gòn hiện cũng đã đặt hết chỗ. Chỉ duy nhất chặng Nha Trang - Sài Gòn còn nhiều chỗ.

Ùn tắc cục bộ trên QL1 hướng từ các tỉnh miền Tây đi TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Huy).
Ùn tắc cục bộ trên QL1 hướng từ các tỉnh miền Tây đi TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Huy).

Du xuân cần có kế hoạch trước

Lí giải cho sự quá tải bất ngờ của hàng không và đường sắt trong những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhu câu đi lại “đột xuất” của người dân. Cụ thể, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhiều gia đình có nhu cầu đi du Xuân đầu năm và các điểm du lịch xa nhà là đích đến được nhiều gia đình lựa chọn.

Một chuyên gia giao thông phân tích, thông thường kế hoạch du Xuân đầu năm sẽ được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết. Họ cũng sẽ đặt vé máy bay hoặc vé tàu từ trước Tết.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều người còn e ngại chưa dám lên kế hoạch. Chỉ khi gần kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát nên nhiều gia đình đã lên kế hoạch du Xuân “đột xuất”. Điều này khiến tất cả vé tàu, vé máy bay đều bị săn hết.

“Trục di chuyển chính vẫn là Bắc – Nam. Những người trong TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có xu hướng đi ra Bắc để tận hưởng cái rét mùa đông còn những người ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lại muốn vào những khu du lịch trong Nam để đón nắng ấm sau những ngày Tết rét mướt ở quê nhà” – chuyên gia giao thông này phân tích.

Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng đột biến nhu cầu đi lại sau Tết là tín hiệu tốt cho ngành vận tải và du lịch phục hồi sau dịch.

Tuy nhiên, chính điều này vô hình chung lại tạo ra sức ép cho giao thông và khiến chính người dân phải tốn kém nhiều hơn cho nhu cầu đi lại của mình. Do đó, để đảm bảo cho việc du Xuân của bản thân và gia đình diễn ra tốt đẹp, mọi người nên lên kế hoạch cụ thể từ sớm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần