Kinh nghiệm quốc tế
Đề xuất của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đúng vào thời điểm Trung Quốc công bố AI mang tên DeepSeek, cũng như giải pháp tăng tuổi thọ của pin lithium-ion từ 2.000 đến 3.000 chu kỳ sạc, trong khi các thế hệ trước chỉ khoảng 500 đến 1.000 chu kỳ. Để có được những kỳ tích trên, Trung quốc đã xây dựng chiến lược phổ cập hóa AI và đầu tư bài bản, có hệ thống đạo tạo nguồn nhân lực với lĩnh vực này.

Đầu thập niên 90, “kế hoạch công nghệ của Trung Quốc” đã đề cập đến AI. Từ năm 2000, Trung Quốc rầm rộ cho ra đời hàng loạt quỹ đầu tư và phát triển công nghệ thông minh. Trung Quốc xác định giai đoạn 2020 – 2025 “thu hẹp khoảng cách với phương Tây”; từ năm 2025 “bước đột phá về AI sẽ được triển khai trong nhiều lĩnh vực”; từ 2030 trở đi “lãnh đạo thế giới về AI”.
Người đứng đầu FPT cho rằng Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Nếu AI được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, AI có thể mang lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1,89 triệu tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Bình dân vụ AI
AI đang được thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo điều quan trọng là cần sớm đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục theo mô hình “Bình dân vụ AI” mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã từng áp dụng.
Thực tế, Edu Grow-sản phẩm giáo dục ứng dụng AI do các chuyên gia người Việt sáng tạo được thiết kế theo phương pháp "học mà chơi, chơi mà học", giúp trẻ phát triển tư duy và ngôn ngữ một cách tự nhiên, đồng thời mang lại trải nghiệm vui vẻ và bổ ích. Edu Grow sử dụng AI và công nghệ nhận diện thao tác để đưa ra kết quả học tập một cách toàn diện và hiệu quả, đảm bảo trẻ học đúng và học tốt.
Theo PGS.TS. Lê Trọng Vĩnh (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông) trí tuệ của người Việt chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu được AI ngay từ cấp tiểu học. Việt Nam phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình, ngoài việc giành khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật trong 5 năm tới thì việc quan trọng không kém là phải đào tạo gấp nguồn nhân lực AI, để trẻ em, học sinh Việt Nam sớm tiếp cận AI như trước đây chúng ta tiếp cận máy tính.

Các nhà trường cần sử dụng AI để phân tích dữ liệu học tập của trẻ, theo dõi quá trình tương tác của trẻ, bao gồm thời gian hoàn thành bài, số lần trả lời đúng/sai, và các dạng lỗi sai thường gặp. Đánh giá năng lực trí tuệ của trẻ, dựa trên phân tích dữ liệu học tập, AI đưa ra đánh giá chi tiết về các điểm mạnh và điểm yếu của trẻ trong từng lĩnh vực (ví dụ: từ vựng, tư duy, kỹ năng xã hội).
Ứng dụng AI giúp giáo viên xác định những môn học mà học sinh cần được hỗ trợ và khuyến khích thêm. Cung cấp thông tin phản hồi cho bố mẹ các báo cáo chi tiết về quá trình học tập và đánh giá năng lực trí tuệ của trẻ sẽ được gửi đến giáo viên, bố mẹ.