Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao giá gạo thế giới tăng chạm đỉnh kể từ năm 2013?

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá gạo thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do các nước đẩy mạnh tích trữ trong khi các nước xuất khẩu hạn chế bán hàng do sự bùng phát của dịch Covid-19.

Giá gạo nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm
Giá gạo - một loại lương thực chính ở châu Á - đã đạt mức đỉnh kể từ năm 2013 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan khắp thế giới, các nước đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng ngũ cốc trong khi các nước hạn chế xuất khẩu.
Giá gạo thế giới đã đạt mức đỉnh kể từ năm 2013.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% trong thời gian ngắn từ 25/3 tới 1/4. Theo số liệu của Reuters, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Giá gạo Thái tăng vọt sau khi các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ và Việt Nam hạn chế xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện châu Á sản xuất 90% lượng gạo của thế giới và cũng tiêu thụ một lượng tương tự.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Ấn Độ đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới do thiếu hụt lực lượng lao động và hệ thống vận tải bị gián đoạn. Theo Reuters, việc thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó cũng gặp khó khăn.
Trên thực tế, giá gạo đã tăng từ cuối năm ngoái và ghi nhận đợt tăng mạnh lần đầu đầu hồi tháng 3 vừa qua do tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Thái và nhu cầu lớn từ các nhà nhập khẩu châu Á và châu Phi. Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ và trước Việt Nam.
Samarendu Mohanty - Giám đốc Trung tâm khoai tây quốc tế tại châu Á - một tổ chức phi lợi nhuận về an ninh lương thực có trụ sở tại Peru, cho biết Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đảm bảo dự trữ gạo vẫn dồi dào, nhưng hiện đang thiếu hụt lực lượng lao động, chủ yếu là người Campuchia, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Không giống như các lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa, do lịch canh tác và thu hoạch cần phải thực hiện đúng”, ông Mohanty lưu ý hồi tuần trước. “Nếu một vụ mùa bị bỏ lỡ, sẽ không có vụ mùa nào khác được bổ sung trong cả năm”.
Theo chuyên gia Mohanty, đợt tăng giá gạo kỷ lục lần này một phần cũng do Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và sự gián đoạn nguồn cung cho vụ xuân.
Tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác, hiện tại là thời điểm thu hoạch vụ đông xuân cho các mặt hàng như lúa mì, khoai tay, bông và nhiều loại rau quả khác. Người nông dân cần những người lao động nhập cư để vận hành máy móc và lao động thủ công. Tuy nhiên, việc thực hiện lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động trở nên khó khăn hơn.
Giá lúa mì cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Giá lúa mì cũng leo thang
Theo báo cáo của Hội đồng ngũ cốc quốc tế, hiện đang có sự gia tăng mạnh nhu cầu đối với các loại thực phẩm, đặc biệt các thực phẩm có nguồn gốc từ gạo và lúa mì trong ngắn hạn.
Không chỉ gạo, giá lúa mì cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây, đã tăng 15% trong nửa cuối tháng 3 do nhu cầu mua gia tăng khi người tiêu dùng lo ngại mùa vụ mặt hàng ngũ cốc này sẽ gặp khó khăn do các lệnh phong tỏa ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo đánh giá của Fitch Solutions, giá gạo và lúa mì sẽ tăng trong các tuần tới do nguồn cung bị thắt chặt, vận chuyển khó khăn và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như hạn hán ở vực sản xuất chính tại Đông Nam Á và Australia.
Fitch Solutions lưu ý thêm rằng mức giá gạo và lúa mì hiện đang tăng cao, song vẫn thấp so với cao kỷ lục thiết lập trong lịch sử.
Fitch Solutions cho rằng giá lương thực sẽ còn lên nữa trong năm 2020 theo đà tăng lên từ năm 2019 khi mà dịch tả lợn châu Phi kéo giá thịt lợn lên cao vút.
Chuyên gia Mohanty lưu ý: “Thống kê cho thấy, lượng ngũ cốc dự trữ toàn cầu hiện có thể nuôi sống người dân thế giới trong vòng hơn 4 tháng, tuy nhiên nguồn dự trữ này sẽ không có tác dụng nếu hoạt động thương mại tiếp tục bị gián đoạn.