Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao nguyên Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt?

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thái vừa bị bắt với cáo buộc sai phạm trong đấu thầu cung cấp giấy in.

Thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 13/2 cho biết, đang điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam.

Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Đức Thái.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Đức Thái.

Kết quả điều tra xác định, Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch HĐTV đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing và Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Sau khi trúng thầu, Thái và Thủy được nhận lợi ích vật chất từ Ngọc.

Ngày 13/2, Cơ quan CSĐT đã ra các quyết định tố tụng: Khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Đức Thái (SN 1962, Hà Nội); Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1967, Hà Nội), về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.

Vào ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh Thủy trong đại án Việt Á về "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại Khoản 3, Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các đối tượng Thuỷ, Khánh và Ngọc (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an
Các đối tượng Thuỷ, Khánh và Ngọc (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan CSĐT cũng khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Đinh Quốc Khánh (SN 1970, Hà Nội); Tô Mỹ Ngọc (SN 1980, TP Hồ Chí Minh) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cùng ngày, Viện KSND Tối cao (Vụ 5) đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can theo đúng quy định pháp luật.

Hiện, cơ quan này đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước.

Trước đó, ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái. Theo quyết định, ông Thái được xác định có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật như: có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.

Ngoài ra, ông Thái thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.

Vào cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018.  

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hai vụ việc sang Bộ Công an xem xét, xử lý. Một là, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, là cơ quan quản lý nhà nước, với NXB Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Hai là, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm với Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT được phân công phụ trách theo từng thời kỳ.