Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao nhiều hộ chăn nuôi bị mắc cúm gia cầm?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá nguyên nhân khiến các ổ dịch cúm gia cầm bùng phát thời gian qua, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã ghi nhận có một đặc điểm chung.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng, chống cúm gia cầm 
Ngày 5/3, Cục Thú y có báo cáo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1 tại 1 tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội). Tổng số gia cầm bị chết, buộc phải tiêu huỷ là 137.180 con.
Tính đến ngày 5/3, đã có 6 ổ dịch qua 21 ngày không phát sinh gia cầm bị bệnh. Hiện, cả nước còn 37 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó, có 32 ổ dịch cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch cúm A/H5N1. Hiện, có 3 tỉnh đã hết dịch là: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
Đại diện Cục Thú y cho biết, đánh giá nguyên nhân tại các ổ dịch cúm gia cầm bùng phát ở các địa phương cho thấy, tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Đặc biệt là trên các đàn vịt của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm (trước đó các hộ chăn nuôi lợn).
Ngay sau khi phát hiện dịch, chính quyền và cơ quan chuyên môn đã xử lý tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với virus cúm A/H5N6, A/H5N1; chưa có hiện tượng lây lan rộng. Tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất. Khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm thời để chống dịch. Đồng thời, tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng các đàn gia cầm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Cục Thú y cũng nhận định, dịch bệnh cúm gia cầm còn có thể diễn biến phức tạp hơn do tổng đàn gia cầm của cả nước hiện rất lớn. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại nhiều địa phương còn đạt tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt là việc không còn hệ thống thú y cấp cơ sở khiến việc quản lý, thông tin diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm gặp nhiều khó khăn…