Theo kế hoạch, ngày 4/10, liên minh OPEC+, do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu, sẽ có cuộc họp thảo luận về sản lượng, qua đó đánh giá lại triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới và đưa ra chính sách phù hợp. Hiện tại, nguồn cung dầu mỏ tại một số nước đang bị gián đoạn và nhu cầu sử dụng “vàng đen” tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 đã đẩy giá dầu lên hơn 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2018.
OPEC+ nhiều khả năng giữ nguyên thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 tăng sản lượng khoảng 400.000 đồng/ngày trong thời gian tới. Ảnh: Bloomberg |
Một số nguồn tin cho hay, OPEC+ nhiều khả năng giữ nguyên thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 tăng sản lượng khoảng 400.000 đồng/ngày trong thời gian tới. Trong khi đó, 4 nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters vào tuần trước rằng các nhà sản xuất dầu mỏ đang xem xét bổ sung nguồn cung dầu mỏ nhiều hơn so với dự kiến của thỏa thuận đạt được trước đó. Tuy nhiên, cụ thể nhóm OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm bao nhiêu và khi nào vẫn chưa được tiết lộ. Một nguồn khác từ OPEC+ cho biết có thể OPEC+ sẽ quyết định bơm thêm 800.000 thùng/ngày trong một tháng. "Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào", một nguồn tin của OPEC+ cho biết.
Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cũng nhận định rằng OPEC+ sẽ thận trọng chưa điều chỉnh thỏa thuận sản lượng trong tháng 11 tới khi một số nước thành viên chưa thể đẩy mạnh nguồn cung trong ngắn hạn. “Nguồn cung dầu của OPEC+ trong tháng 9/2021 có thể hụt khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức kế hoạch do một số quốc gia thành viên đang thiếu hạn ngạch sản xuất”.
Trước đó vào tháng 7, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất là tháng 4/2022 để thu hẹp dần mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày đã được áp dụng trong thời gian qua.
Hiện OPEC cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga đang chịu sức ép tăng mạnh nguồn cung từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đã nhảy vọt lên mức 3,183 USD/gallon vào cuối tuần trước, tăng gần 1 USD/gallon (khoảng 3,78 lít) so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuần trước, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman ở Riyadh để thảo luận về cuộc chiến ở Yemen, đồng thời cũng đề cập đến mối quan tâm khác là dầu mỏ.
Trên thực tế, giá “vàng đen” tăng mạnh lên mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây sau tình trạng thiếu hụt năng lượng đang xảy ra từ châu Á đến châu Âu. Nhiều giao dịch dầu thô bị đẩy giá lên gần 200 USD/thùng do thiếu nguồn cung. Giá dầu, khí đốt, than đá và điện tăng kỷ lục trong thời gian gần đây đang gây ra áp lực và làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, giới phân tích cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới đang cần nguồn cung dồi dào hơn nhiều so với mức tăng 400.000 thùng mỗi ngày mà OPEC+ đã và đang áp dụng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc họp sẽ gây thất vọng do các nước không thể thống nhất việc bổ sung thêm nguồn cung, bởi một số quốc gia không có khả năng tăng sản lượng, cộng thêm sự hấp dẫn của giá dầu cao khiến các nước không muốn tăng sản lượng để hạ giá.
James Williams - chuyên gia năng lượng tại WTRG Economics, nhận xét: “Kịch bản OPEC+ giữ nguyên thỏa thuận tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch từ tháng 11 tới dường như vẫn là khả năng cao nhất. Nếu OPEC+ nhất trí tăng hạn ngạch, một số thành viên như Nigeria và Angola, chưa sẵn sàng tăng nguồn cung ngay lập tức”.
Cũng có nhận định tương tự, Tariq Zahir - thành viên quản lý của Tyche Capital Advisors, lưu ý: “Nhiều nước thành viên sẽ muốn tận dụng lợi thế của việc tăng giá dầu, vì vậy liên minh OPEC+ khó có thể thống nhất đề xuất tăng sản lượng nhiều hơn mức 400.000 thùng/ngày như hiện tại”.
Tuy nhiên, chuyên gia Zahir nói rằng cũng có khả năng OPEC+ sẽ đồng ý tăng sản lượng nhiều hơn nếu liên minh này quan ngại về nguy cơ đánh mất thị phần nhiên liệu khi sản lượng dầu thô của Mỹ đang tăng trở lại./.