Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao sô cô la đang ngày càng đắt đỏ?

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá ca cao tăng mạnh khiến người tiêu dùng chịu ảnh trực tiếp khi phải mua sô cô la với mức giá cao hơn nhiều so với trước đây.

Người yêu thích sô cô la có thể đã nhận thấy giá thành của món ăn yêu thích trở nên đắt đỏ hơn.

Giá ca cao bắt đầu tăng dần vào nửa cuối năm 2022, hiện đã ở mức gấp đôi - cao nhất mọi thời đại vào tháng 1/2024. Việc mức giá nguyên liệu này tăng cao báo hiệu những khó khăn cho cả ngành kinh doanh sô cô la và người tiêu dùng. Hershey và Mondelez International, chủ sở hữu thương hiệu Cadbury, đã đẩy áp lực giá sang người mua vào năm ngoái. Lợi nhuận theo năm của Hershey giảm 11,5% trong quý 4. Gần đây, công ty đã thông báo cắt giảm 5% lực lượng lao động.

Barry Callebaut, nhà sản xuất sô cô la lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ cho thôi việc 2.500 nhân viên, tương đương 18% lực lượng lao động.

Biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cả leo thang. Ca cao chủ yếu được sản xuất bởi các nông dân ở Tây Phi. Ghana và Bờ Biển Ngà trồng khoảng 60% sản lượng ca cao của thế giới. Mùa trước, hiện tượng thời tiết El Niño đã dẫn đến nhiệt độ và lượng mưa cao bất thường, tàn phá mùa màng. Theo Gro Intelligence, một công ty dữ liệu, tổng lượng mưa tại các vùng trồng ca cao của Bờ Biển Ngà năm 2023 là cao nhất trong 20 năm.

Năm nay, El Niño đã gây ra hạn hán nghiêm trọng cho các trang trại ca cao, khiến sản lượng giảm hơn nữa. Ngân hàng ING ước tính rằng năm nay, khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ toàn cầu sẽ ở mức lớn nhất kể từ năm 2014.

Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến các mặt hàng khác. Hạn hán ở Thái Lan và Ấn Độ đang ảnh hưởng đến các đồn điền lúa gạo. Mưa lớn ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, còn có những áp lực về giá khác đối với ngành ca cao. Virus sưng chồi và bệnh thối đen, mối đe dọa của cây ca cao đã lan rộng khắp Ghana và Bờ Biển Ngà trong những trận mưa lớn năm ngoái. Tropical Research Services, một công ty nghiên cứu, ước tính rằng đến cuối năm 2023, virus sưng chồi đã lây nhiễm khoảng 20% cây ca cao của Bờ Biển Ngà.

Các yếu tố thị trường cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ Ghana và Bờ Biển Ngà kiểm soát chặt chẽ thị trường ca cao và đặt giá cho nông dân. Giá bán buôn hiện tại cao hơn 250% so với giá mua tại nông trại của Ghana vào năm 2023, theo Corporate Accountability Lab, một tổ chức phi lợi nhuận. Lợi nhuận thấp khiến nông dân nản lòng đầu tư vào các đồn điền mới (không có đồn điền nào được thành lập ở Bờ Biển Ngà trong gần 25 năm). Chúng cũng buộc nông dân phải cắt giảm phân bón, khiến cây trồng dễ bị tổn thương hơn trước thời tiết xấu và dịch bệnh.