Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị trí Ga ngầm C9: Đầy đủ cơ sở pháp lý

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến quy hoạch vị trí và thiết kế ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu công phu và có đầy đủ căn cứ pháp lý.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội 
Theo ông, vì sao Hà Nội lại chọn phát triển ĐSĐT theo hướng kết hợp cả đi ngầm lẫn đi nổi?
- Từ 1954 đến nay, Hà Nội đã 7 lần có phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch chung. Qua các lần nghiên cứu đó, Hà Nội có 4 khu vực khi quy hoạch phải do Chính phủ quyết định gồm: Ba Đình, Hồ Gươm, phố cổ, Hồ Tây. Năm 1992, quy hoạch chung lần thứ 5 được phê duyệt của TP đã đặt ra vấn đề phải phát triển ĐSĐT. Thời điểm đó, Hà Nội đã cử đoàn công tác đi các nước châu Âu để nghiên cứu về ĐSĐT. Khi đoàn nghiên cứu thực tế tại Đức đã nhận thấy giải pháp ĐSĐT kết hợp cả ngầm và trên cao là thích hợp nhất với điều kiện của Hà Nội do TP có nhiều di tích lịch sử.
Mặt khác, Quy hoạch Hồ Gươm đã được Thủ tướng ủy quyền cho Bộ Xây dựng duyệt năm 1996. Trong đó xác định khu vực Hồ Gươm là di tích cảnh quan đặc thù của Hà Nội; được định hướng trở thành không gian đi bộ, tổ chức sự kiện... Đồng thời cũng xác định 7 khu vực không gian xanh quanh Hồ Gươm để bảo tồn, không được làm các công trình nổi lên, không được phá hủy, làm lại; trong đó có khu vực vị trí ga C9 hiện nay. Vì vậy, việc phát triển ĐSĐT kết hợp cả đi ngầm và nổi là tất yếu của Hà Nội, đặc biệt với tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có đi qua khu vực Bờ Hồ.

Việc nghiên cứu tuyến ĐSĐT số 2 và vị trí ga ngầm C9 diễn ra như thế nào thưa ông?

- Ga C9 đã được đề cập đến trong quy hoạch Hồ Gươm từ năm 1996. Đến Quy hoạch chung năm 1998, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị duyệt, lại tiếp tục đặt ra vấn đề ưu tiên xây dựng hệ thống ĐSĐT bao gồm 5 tuyến, trong đó có tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
 Quy hoạch xây dựng nhà ga C9 từng được trưng bày công khai lấy ý kiến công chúng vào tháng 3 vừa qua. Ảnh: Công Hùng
Từ năm 2004 - 2007, Hà Nội đã hợp tác với Cơ quan hợp tác hỗ trợ Nhật Bản (JICA) và TP Seoul (Hàn Quốc) thực hiện Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Dự án HAIDEP được nghiệm thu đã chỉ rõ tuyến ĐSĐT số 2 phải đi qua khu vực Bờ Hồ. Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) cũng đã đặt ra vấn đề phải thực hiện tuyến ĐSĐT số 2; tư vấn nước ngoài rất ủng hộ và đề xuất vị trí ga C9 cạnh Bờ Hồ. Sau khi Hà Nội mở rộng lại mất 3 năm nghiên cứu và để tư vấn Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản thẩm định lại quy hoạch.

Năm 2011, Quy hoạch chung của Hà Nội được duyệt, trong đó xác định Hà Nội sẽ có 8 tuyến ĐSĐT để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh xung quanh. Sau đó lại mất 5 năm nghiên cứu về giao thông, năm 2016, Thủ tướng mới duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch GTVT một lần nữa khẳng định Hà Nội có 8 tuyến ĐSĐT, trong đó xác định tuyến Nội Bài - Thăng Long dài 36km, có đi qua bờ hồ.

Như vậy cơ sở pháp lý của dự án đã đầy đủ?

- Rõ ràng từ Quy hoạch chung năm 1992 đến Quy hoạch có hiệu lực gần đây nhất của Hà Nội đều khẳng định tuyến ĐSĐT số 2 có đi qua Bờ Hồ và xác định vị trí ga C9. Nói cách khác, đây là cơ sở pháp lý đầy đủ, ổn định nhất; đồng thời cũng cho thấy việc nghiên cứu ga C9 đã được thực hiện công phu, nghiêm chỉnh; vị trí lựa chọn đã ổn định lâu dài.

Hơn nữa, khi triển khai thực hiện tuyến này, tháng 5/2010, tư vấn của các ngành: Giao thông, quy hoạch: Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã làm việc với Bộ VHTT&DL và được thống nhất về vấn đề này. Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đồng ý với tuyến này và vị trí ga C9 để tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại, hưởng thụ cảnh quan, di tích đẹp của Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm.

Hội đồng tư vấn kiến trúc, quy hoạch cho TP đã bàn rất nhiều phương án về mặt bằng ga C9 và cuối cùng, tháng 6/2012 đã chọn phương án tối ưu, chính là phương án đưa ra trưng bày cho Nhân dân xem vào tháng 3 vừa qua. Đa số các chuyên gia của Hội đồng, gồm cả chuyên gia về quản lý, lịch sử, quy hoạch… đều khẳng định thống nhất phương án ga C9 đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh Bờ Hồ.

Có ý kiến cho rằng phương án lựa chọn vị trí ga C9 vi phạm Luật Di sản, thưa ông?

- Ga C9 nằm ở vùng II - vùng bảo vệ; nằm ngoài vùng I - vùng bảo vệ nguyên trạng của Hồ Gươm. Trong Luật Di sản đã xác định, vùng II có thể được cải tạo, chỉnh trang, nhưng phải tuân thủ các quy định, đặc biệt là về chiều cao công trình. Như vậy không xâm phạm vào di tích lịch sử quốc gia, cũng không vi phạm Luật Di sản.

Trong Hiến chương Washington 1987 về bảo vệ TP và khu vực đô thị lịch sử, mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện, có câu: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào các đô thị lịch sử hoàn toàn có thể chấp nhận, nhưng phải thận trọng, phù hợp với quy hoạch; với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân và phải được cư dân khu vực ủng hộ”. Như vậy, từ Luật Di sản của Việt Nam cho đến các Hiến chương quốc tế đều cho thấy ga C9 phù hợp với yêu cầu về bảo tồn di sản. Tôi cho rằng, Dự án đã có quá trình nghiên cứu thận trọng, công phu; quan tâm đầy đủ các yếu tố: Dân cư, di sản, kỹ thuật… Do đó kết quả đưa ra có thể chấp nhận và nên chấp nhận.

Có ý kiến cho rằng nên đưa ga C9 ra khu vực phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, liệu có khả thi?

- TP cũng đã từng đặt vấn đề nghiên cứu đưa tuyến ĐSĐT số 2 đi qua khu vực đê sông Hồng và ga C9 đặt tại khu vực phố: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Nhưng như vậy sẽ vi phạm quy định về bảo vệ đê điều và thủy lợi, có thể gây nguy hại cho tuyến đê xung yếu bảo vệ Thủ đô, nên phương án này không khả thi.

Theo ông tuyến ĐSĐT số 2 và ga C9 có cần thiết với Hà Nội?

- Vị trí ga C9 phải được đặt trong bối cảnh chung của quy hoạch giao thông và tổng thể phát triển của Thủ đô, để thấy được mong muốn của Nhân dân và định hướng của Hà Nội. Vấn đề khai thác cảnh quan Hồ Gươm đã được đặt ra từ 20 năm nay, với mục tiêu phục vụ Nhân dân, tăng giá trị, vị thế của Hà Nội. Việc xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 và ga C9 sẽ tạo điều kiện để Hà Nội tận dụng tốt và gia tăng vai trò, vị trí của khu vực Hồ Gươm - trung tâm, không gian văn hóa, quảng bá của Hà Nội; thu hút người dân đến khu vực này. Vậy nên TP cần quyết tâm thực hiện dự án. Hơn nữa cũng cần tôn trọng ý kiến của cả một quá trình nghiên cứu kéo dài, công phu vừa qua, không nên vì một vài ý kiến đơn lẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Việc xây dựng ga C9 cần lưu ý những yếu tố gì thưa ông?

- Chúng ta phải lựa chọn cẩn thận, ứng dụng kỹ thuật xây dựng nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn của các công trình di tích, ví dụ như Tháp Bút. Chủ đầu tư phải cam kết giải pháp, công nghệ thi công phù hợp, đảm bảo nhất; không để xảy ra các vấn đề, ảnh hưởng đến công trình di tích. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu thêm về thiết kế kỹ, mỹ thuật của cửa lên xuống khu vực sát Hồ Gươm sao cho hài hòa với cảnh quan.

Xin cảm ơn ông!