Trong đó, đưa ra 6 quy định, với những việc cụ thể, như chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác, cũng như việc cưới hỏi, ma chay, giỗ Tết… xa hoa, lãng phí, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.
Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Hay tình trạng chăng khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí khi có đoàn công tác đến… Nhiều người cho rằng, những “lời nhắc nhở quyết liệt” ấy sẽ góp phần để chấn chỉnh dứt điểm những biểu hiện lãng phí tràn lan hiện nay.Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, căn bệnh "chè chén, xa hoa, lãng phí, lợi dụng biếu xén," gây phản cảm trong xã hội và bức xúc với người dân đang diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp tình trạng “mượn” hội họp để ăn uống linh đình, hay lễ, Tết để biếu quà… bằng tiền công quỹ. Thậm chí ở một số nơi, T.Ư còn phải cấp ngân sách chi thường xuyên nhưng cứ có khách tới là rượu chè triền miên. Cũng có không ít cán bộ công chức khi tới làm việc với một đơn vị, cơ quan nào đánh giá mức độ nhiệt tình tiếp đón của nơi đến qua bàn tiệc và quà tặng. Khiến cho không ít nơi rơi vào tình trạng “khóc dở mếu dở” vì phải cân đối, xoay tiền tiếp khách. Rồi việc con lãnh đạo này, cháu thủ trưởng kia tổ chức sinh nhật, đám cưới rình rang, với những siêu xe xuất hiện không ít trên các mạng xã hội và cả báo chí, khiến không ít người lắc đầu bởi sự lãng phí. Và không ít câu hỏi được đặt ra “tiền ấy ở đâu”. Dù chưa có một thống kê cụ thể nào về những sự lãng phí rất “đời thường” này nhưng trong khi yêu cầu đang đặt ra với đất nước đó là tiết kiệm, chống lãng phí, thì quả là một điều đáng suy ngẫm. Trên diễn đàn Quốc hội, không ít lần thực trạng này cũng được đề cập đến. Có ý kiến cho rằng, cùng với sự lãng phí của các dự án, các công trình, tượng đài, công sở, chính sự xa hoa, lãng phí, nhậu nhẹt đình đám, quà cáp biếu xén đã trở thành một “lệ xấu” đối với không ít cơ quan công quyền, gây ra một sự lệch lạc, dẫn đến tha hóa, đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, gây phản cảm đối với quần chúng Nhân dân. Tạo ra kẽ hở cho tham nhũng, làm biến dạng những nét thuần phong mỹ tục.
Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII đã chỉ ra các biểu hiện cụ thể của “tự diễn biến, tự chuyển hóa", và Quy định 55 của Bộ Chính trị đã điểm đúng vào những điều đang mặc nhiên tồn tại. Và những việc tưởng như rất nhỏ nhặt ấy, nếu không chấn chỉnh ngay, chấn chỉnh dứt điểm sẽ phát sinh thành những việc lớn. Quy định của Bộ Chính trị là một yêu cầu nghiêm khắc và cần làm ngay, là mệnh lệnh đối với toàn Đảng. Người dân kỳ vọng và đặt niềm tin vào quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ trong việc đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong việc siết chặt kỷ cương hành chính công vụ thông qua những hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên, công chức. Và như Quy định đã nêu rõ, từng ủy viên T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện Quy định này. Chỉ khi đó mới tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, chấn chỉnh sự lãng phí, xuống cấp trong xã hội.