Việc phân chia gói thầu cao tốc Bắc – Nam được thực hiện ra sao?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa lựa chọn xong các nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025). Cơ quan này khẳng định, việc phân chia gói thầu tại “siêu dự án” này được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bộ GTVT đã lựa chọn xong nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc -Nam giai đoạn 2.
Bộ GTVT đã lựa chọn xong nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc -Nam giai đoạn 2.

Nguyên tắc phân chia gói thầu

Bộ GTVT vừa có báo cáo về  lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Trong báo cáo trên, Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các chủ đầu tư đưa ra một số nguyên tắc phân chia gói thầu làm cơ sở triển khai thực hiện. Việc phân chia gói thầu phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Thứ nhất, việc phân chia gói thầu xây lắp cần xem xét sự phù hợp về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… để phân chia gói thầu đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật.

 

Nhằm nâng cao tính đồng bộ, tập trung một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng thực hiện gói thầu, trong hồ sơ yêu cầu và hợp đồng gói thầu xây lắp đã quy định thành viên đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành chung, trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu – Bộ Giao thông Vận tải

Thứ hai, phải căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát năng lực, kinh nghiệm nhà thầu của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc phân chia gói thầu phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là  không chia nhỏ gói thầu và phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng.

Công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo không lọt nhà thầu yếu, kém năng lực.
Công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo không lọt nhà thầu yếu, kém năng lực.

Các gói thầu được phân chia ra sao?

Dựa theo những nguyên tắc trên, đồng thời căn cứ vào kết quả khảo sát giá trị gói thầu được thực hiện trong thời gian 10 năm gần đây, các chủ đầu tư đã trình Bộ GTVT kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, gói thầu xây lắp được đề xuất phân chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu có giá trị từ 3.000 - 8000 tỷ đồng; công tác tư vấn giám sát được đề xuất chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công xây dựng và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước.

Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần (25 gói thầu xây lắp và 25 gói thầu tư vấn giám sát) để các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền. Việc phê duyệt này được căn cứ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các Nghị quyết, quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo đúng trình tự  thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu như Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014 của Chính phủ đã quy định cụ thể về quy trình chỉ định thầu; văn bản số 5520 ngày 8/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy trình chỉ định thầu theo Điều 55 Nghị định số 63/2014.

Đặc biệt, để đảm bảo không “lọt” nhà thầu yếu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ quy định pháp luật, trên cơ sở quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để thực hiện chỉ định thầu đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đã được các chủ đầu tư phê duyệt bám sát quy định Thông tư số 08/2022 của Bộ KH - ĐT, Nghị định 15/2021 của Chính phủ, gồm: Yêu cầu về năng lực hành nghề thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; Yêu cầu về năng lực tài chính (doanh thu, nguồn lực tài chính); Yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự...

Bộ GTVT khẳng định, các chủ đầu tư đã hoàn thành công tác chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục nêu trên đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các nhà thầu được lựa chọn, được chủ đầu tư đánh giá đều là những doanh nghiệp có tiềm lực, có uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu.

 

Các bước lựa chọn nhà thầu bao gồm: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu); Tổ chức lựa chọn nhà thầu (phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất); Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.