Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc xử phạt chỉ là giải pháp ngọn

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, trên mạng xã hội đã chia sẻ một video ghi lại hàng loạt các xe máy đang lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao bỗng dưng đồng loạt quay đầu.

Theo nội dung bài viết, sự việc xảy ra vào sáng 10/10. Thời điểm trên, các tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (CSGT) và Đội CSGT đường bộ số 4 (Phòng CSGT, công an TP Hà Nội) cùng phối hợp xử lý xe máy di chuyển trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao.

Khi vừa thấy CSGT, rất nhiều người đi xe máy đã bất chấp nguy hiểm, quay đầu và đi ngược chiều. Tình huống trên khiến nhiều tài xế ô tô bất ngờ, buộc phải phanh gấp để tránh xảy ra va chạm.

Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp xe máy lưu thông trên đường vành đai 2 trên cao. Ảnh:B.Châu
Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp xe máy lưu thông trên đường vành đai 2 trên cao. Ảnh:B.Châu

Thực tế, xe máy đi lên đường Vành đai 2 trên cao đã diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây và liên tục được báo chí, mạng xã hội phản ảnh. Những hành vi bất chấp luật lệ giao thông của những người đi xe máy khiến nhiều người bức xúc. Bởi lẽ, đường Vành đai 2 trên cao là đường dành riêng cho ô tô, với tốc độ cho phép tối đa 80km/h thì việc xe máy xuất hiện trên đoạn đường này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Lý giải việc này, nhiều người cho rằng, bởi tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào khung giờ cao điểm nên để “tiện”, nhiều người đi xe máy đã bất chấp để “leo lên” song hành cùng ô tô. Tuy nhiên, việc viện dẫn lý do do đường đông hay ùn tắc để bất chấp để đi vào đường cấm như vậy là không thể chấp nhận.

Về quy định pháp luật, tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Không những đi vào đường dành riêng cho ô tô là vi phạm pháp luật, việc điều khiển xe máy đi vào đường dành riêng cho ô tô, nó không chỉ gây nguy hiểm cho chính những người điều khiển xe máy, mà nó còn là mối họa rất lớn với những người lái xe ô tô.

Vậy nên, việc xử phạt chỉ là giải pháp ngọn, mà cái gốc là mỗi người dân, mỗi người tham gia giao thông đều cần tự trau dồi, nâng cao ý thức của mình. Việc nâng cao ý thức của mỗi cá nhân mới là giải pháp để giảm tình trạng bát nháo này chứ không phải là việc lực lượng chức năng cứ phải lo ra quân để chặn bắt.

Hơn nữa, ngoài biện pháp tuyên truyền, cũng cần tăng chế tài xử phạt, thậm chí xử phạt thật nặng mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.