Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viễn cảnh một châu Âu thiếu bóng "bà đầm thép" Merkel

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không rơi nước mắt hay biểu lộ cảm xúc, Thủ tướng Angela Merkel “lạnh lùng” tuyên bố dừng con đường chính trị hôm 29/10, cho rằng việc này sẽ tốt hơn với nước Đức.

Không biết liệu sự “tốt hơn” mà bà Merkel đề cập đến có bao gồm bà Annegret Kramp-Karrenbauer - người mà nữ Thủ tướng Đức đã đề cử làm Tổng Thư ký của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hồi tháng 2 năm nay. Bà Kramp-Karrenbauer, thủ hiến của tiểu bang Saarland, nổi tiếng là một người tích cực đấu tranh vì nữ quyền, có tư tưởng bảo thủ tương đối giống bà Merkel.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thế nhưng bà Kramp-Karrenbauer lại không phải là ứng viên được chú ý hàng đầu mà thay vào đó là ông Friedrich Merz - một luật sư 62 tuổi - hiện đang là lãnh đạo nhóm nghị viện của CDU. Tuy nhiên hiện ông này đang vướng vào một rắc rối khi công ty quản lý tài sản BlackRock mà ông đang làm giám đốc một bộ phận bị cáo buộc sai phạm trong báo cáo và đã bị Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức phạt 3,25 triệu Euro. Một ứng cử viên khác cũng tỏ ra “đang gờm” không kém là Bộ trưởng y tế Jens Spahn, mới chỉ 38 tuổi và là một đại diện của cánh bảo thủ. Trái với quan điểm của chính quyền Merkel, ông Spahn tỏ rõ sự ủng hộ đối với việc hạn chế người nhập cư và cải cách quyền tị nạn hay luật nhập cư hiện hành của Đức.

Các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) hẳn sẽ có những đánh giá khác nhau đối với quyết định bất ngờ của “Bà đầm thép” nước Đức. Hy Lạp - quốc gia vẫn đang vật lộn để phục hồi và Italy - hiện đang trong một cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ, từ lâu đã đổ lỗi cho chính sách “thắt lưng buộc bụng” của bà Merkel, góp phần “bóp nghẹt” khả năng tăng trưởng và gây nên “nhiều khổ đau cho người nghèo”. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini đã không dấu khỏi niềm vui khi nahnh chóng đăng tải một thông điệp ẩn ý trên mạng xã hội cá nhân, rằng “tạm biệt…hệ thống cũ ở Brussels đã mất”, sau thông báo từ chức của nữ Thủ tướng Đức.

Đồng minh thân cận nhất của bà Merkel ở Lục Địa Già, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hẳn sẽ không vui, mặc cho nhiều ý kiến đồn rằng đáng ra đây là điều ông đã mong đợi từ lâu. Một thực tế là trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Macron luôn hướng đến mục tiêu củng cố và hội nhập EU, và trong trường hợp sự ổn định chưa trở lại với nền chính trị Đức, ông sẽ phải “đơn phương độc mã” trên con đường này.

Bà Angela Merkel là một nhân vật chính trị đầy quyền lực trong hành trình 13 năm làm Thủ tướng, đã đưa ra nhiều chỉ thị về các điều khoản phát triển của EU, nắm vai trò chỉ huy trung tâm ở Đức và của Đức ở châu Âu. Và giờ đây khi bà “đã mệt”, buộc phải bỏ rơi cả một liên minh đang có dấu hiệu chia rẽ ngày một nặng nề hơn, EU chắc chắn sẽ không còn mạnh mẽ, ít ra là so với một EU trong “triều đại Merkel”.