Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp: Chưa thể loại bỏ thuốc diệt cỏ độc hại

Trọng Tùng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PGS.TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã chia sẻ như trên trong câu chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị liên quan tới quyết định cấm sử dụng, lưu hành thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm cả thuốc diệt cỏ) có chứa gốc glyphosate được cho là có thể gây ung thư, vừa được Bộ NN&PTNT ban hành.

- Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ đối với môi trường sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người?
PGS.TS Mai Văn Trịnh: Hóa chất khi được phun hay rải sẽ được đưa vào cơ thể động, thực vật. Qua quá trình hấp thu, sinh trưởng, phát triển hay qua chuỗi thức ăn, hóa chất bảo vệ thực vật sẽ được tích tụ trong nông phẩm hay tích lũy, khuếch đại sinh học. Một phần khác sẽ rơi vãi ngoài môi trường, sẽ bay hơi vào môi trường hay bị cuốn trôi theo nước mưa, đi vào môi trường đất, nước, không khí… gây ô nhiễm môi trường.
Đất canh tác là điểm hứng và chứa của nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhất, trong đó có thuốc diệt cỏ. Theo kết quả nghiên cứu thì khi phun thuốc trừ cỏ, sẽ có tới 50% số thuốc rơi xuống đất (tuỳ thuộc vào mật độ của cỏ). Khi vào trong đất một phần thuốc trong đất được cây hấp thụ, phần còn lại thuốc được keo đất giữ lại. Thuốc tồn tại trong đất dần được phân giải qua hoạt động sinh học và qua các tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, mưa và hoạt động của vi sinh vật, hoặc bị biến đổi thành chất khác hoặc bị kết hợp với chất khác thành chất mới.
 Nông dân huyện Mê Linh sử dụng thuốc diệt cỏ cho cây hoa 
Ngoài tác dụng diệt cỏ giữ gìn mùa màng, dư lượng hóa chất diệt cỏ có thể gây hại đến sức khoẻ, bệnh hiểm nghèo cho người tiếp xúc và sử dụng chúng. Thậm chí tác động vào di truyền, gây quái thai và bệnh ung thư cho con người và gia súc.
Thực tế thông tin báo chí và khoa học thời gian qua tại Mỹ liên quan tới Công ty Mosanto – doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thuốc diệt cỏ có chứa gốc glyphosate được xem là lớn nhất trên thế giới, đã phần nào minh chứng thêm cho những ảnh hưởng nguy hại của các loại thuốc diệt cỏ đối với sức khỏe con người.
- Thuốc diệt cỏ được đánh giá là độc hại, nhưng việc sử dụng hiện nay vẫn rất phổ biến. Vì sao lại có nghịch lý đó, thưa ông? 
PGS.TS Mai Văn Trịnh: Thuốc diệt cỏ được nghiên cứu và sản xuất nhằm phục vụ con người khống chế sự phát triển tràn lan của cỏ dại, vượt quá khả năng kiểm soát bằng tay của con người. Với nông nghiệp cổ truyền thì người nông dân có thể làm cỏ bằng tay, hoặc các biện pháp canh tác hợp lý. Tuy nhiên, với nông nghiệp hiện đại và quy mô lớn như hiện nay, với những chủ hộ trang trại có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn héc-ta cây trồng, thì bắt buộc phải sử dụng thuốc trừ cỏ, nếu không mùa màng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
- Liệu có thể loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ nói riêng, các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung khỏi quy trình sản xuất nông nghiệp hiện nay hay không? Và nếu có thể thì giải pháp thực hiện là gì, thưa ông? 
PGS.TS Mai Văn Trịnh: Có thể xây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, cũng như thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ có thể được xây dựng trên quy mô nhỏ lẻ, vì phải sử dụng một số lượng lao động lớn, sử dụng lượng lớn các loại phân hữu cơ. Quy trình canh tác phải nghiêm ngặt, yêu cầu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà khó có thể đáp ứng được.
Ở quy mô sản xuất lớn thì khó có thể không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì thực trạng hiện nay sản xuất nông nghiệp ngày càng có mức thâm canh cao hơn, dựa chủ yếu vào phân hoá học. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững để đảm bảo hạn chế ít nhất sử dụng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cần phải thực hiện hàng loạt các biện pháp kĩ thuật như bố trí cây trồng, mùa vụ hợp lý, quản lý tốt các loại phế phụ phẩm nông nghiệp và cỏ dại.
Sử dụng các loại phế phụ phẩm trồng trọt và cỏ làm các loại nguyên liệu làm phân ủ, bổ sung hữu cơ và các chất khoáng lại cho đất. Không lạm dụng thuốc trừ cỏ và các hoá chất bảo vệ thực vật, mà chỉ sử dụng khi nào cần thiết. Đồng thời, lợi dụng chức năng tự cân bằng sinh thái của quần thể để duy trì một hệ sinh thái tự nhiên, vì chúng có khả năng tự điều tiết cả về số lượng cũng như mật độ, thông qua các quá trình đấu tranh sinh học.
Xin cảm ơn ông!