Giá cả, nguồn cung dầu nhiều bất ổn
Năm 2022, giá dầu thế giới biến động khó lường. Ngày 5/12/2022, Mỹ và các đồng minh áp mức giá trần dầu thô xuất khẩu của Nga ở mức 60 USD/thùng nhằm thu hẹp nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Đây là hành động nhằm làm thu hẹp nguồn tài chính của Nga để làm suy yếu từng bước tiềm lực tài chính, buộc Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.
Hầu như các quốc gia đều đã có chiến lược tăng mức dự trữ dầu dầu mỏ lên đến mức cao nhất có thể, đồng thời với mức độ sẵn sàng cao trong chấp nhận giá dầu tăng cao như là sự hợp lực để cùng đồng lòng chia sẻ khó khăn trong bối cảnh đặc thù của chiến tranh. Rõ ràng phương thức khống chế của Mỹ và đồng minh áp dụng không phải theo phương thức hạn ngạch số lượng mà áp dụng giá trần. Cơ chế này cho thấy mức giá thực tế trên thị trường vẫn cao hơn mức này thì cơ chế giá trần mới có tác dụng. Còn nếu mức giá thị trường thấp hơn 60 USD/thùng, mức giá ấn định này sẽ không có tác dụng.
Giá thành dầu của Việt Nam ở mức 70 USD/thùng. Cơ chế này cho thấy Mỹ và các nước đồng minh đã có sự chuẩn bị sẵn lượng dầu để bù đắp sự thiếu hụt của thị trường. Trách nhiệm bù đắp sự thiếu hụt này của Nga đã được Mỹ và đồng minh đảm nhiệm khi Nga từ chối cung cấp dầu với giá cả ấn định này.
Nếu giá thành một thùng dầu của Nga 30 USD/thùng và của Ả-rập-Xê-út 8USD/thùng thì mức giá này vẫn mang lợi nhuận rất lớn cho các nước như Nga và Ả-rập-Xê-út hoặc các nước xuất khẩu dầu mỏ có giá thành thấp hơn 60USD/thùng thì đều có lãi. Do đó, mức giá này có thể tạo lợi nhuận cho các nước có mức giá thành thấp. Thực tế giá dầu đã ổn định sau khi đạt mức cao kỷ lục tháng 3/2022. Tuy nhiên, do Nga là nước lớn trong xuất khẩu dầu cho nên khi xuất hiện tình trạng bất ổn, giá dầu có thể tăng lên và nếu Nga tận dụng được sự lên giá của dầu, khoản thu sẽ rất lớn.
Với mức giá ấn định này, biên độ giá dầu thế giới trong năm 2023 có thể chỉ dao động trong biên độ 60 USD+/-20 USD để vừa có thể chấp nhận đúng mệnh lệnh áp dụng giá trần của Mỹ. Quyết định này gây cắt xẻ, phân mảnh thị trường, giảm thiểu tính thống nhất cho nên quá trình bình quân hóa để tạo mức giá phù hợp nhất khó có thể xảy ra. Trong trường hợp, không mua dầu được với giá 60 USD/thùng, mức giá 80 USD/thùng có thể chấp nhận vì nếu chênh lệch quá lớn dẫn đến tình trạng buôn lậu hoặc dầu được chuyển tải qua nước thứ 3 do chi phí logistics cao.
Nếu chi phí chuyển tải, logistics cùng lợi nhuận trung gian cao hơn 80 USD/thùng, các nước hoàn toàn sẵn sàng chấp thuận mức giá 80 USD/thùng vì lợi ích do chênh lệch giá rõ ràng trong trường hợp Nga cực đoan giảm sản lượng dầu xuất khẩu. Nếu Nga thiếu tính toán kỹ lưỡng và cực đoan giảm sâu sản lượng dầu cung cấp nhằm chống lại lệnh của Phương Tây thì Nga có thể bị thu hẹp thị phần, thậm chí mất thị trường nếu không kêu gọi được sự hợp tác của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Chủ động kịch bản ứng phó
Khác với Mỹ và đồng minh có thể áp đặt giá dầu thế giới do vị thế lớn về thị trường tiêu thụ, quy mô kinh tế lớn và tổ chức chuỗi cung ứng hiệu quả, Việt Nam là nước chấp nhận giá dầu nhập khẩu theo điều kiện CIF và có khá nhiều loại thuế, phí cộng dồn vào giá cho nên giá dầu trong nước cao hơn đáng kể so với giá nhập khẩu khoảng 34-35%.
Việt Nam chỉ có thể phản ứng theo các kịch bản dự kiến về sự biến động của giá dầu do không đủ năng lực chi phối giá thế giới. Lượng dầu Việt Nam sản xuất ra từ các nhà máy lọc dầu trong nước như Dung Quất, Nghi Sơn chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong nƣớc còn lại nhập khẩu 70%, theo giá công bố trên tờ Platt của Singapore. Việt Nam có cơ chế trích lập quỹ bình ổn giá dầu để tạo khả năng thực hiện mục tiêu bình ổn, tránh gây ra biến động trên thị trường dầu mỏ nhưng do sự hạn chế về quy mô quỹ, khả năng bình ổn giá khi giá dầu thế giới tăng cao đột ngột đều dẫn đến tình trạng quỹ bị sử dụng hết nhưng vẫn không đạt được mục tiêu bình ổn giá.
Với tình hình biến động khó lường và giả định cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, mặc dù gần đây nhất, Nga thông báo khả năng trở lại bàn đàm phán nghĩa là vẫn có khả năng để không kéo dài xung đột Nga-Ukraine mặc dù rất mong manh. Năm 2022 được đánh giá là nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 2% và có nhiều chỉ số tốt hơn nền kinh tế G20 theo công bố của ông Puttin. Do đó, việc chuẩn bị các kịch bản để phản ứng chủ động hơn với tình hình bất định là cần thiết.
Kịch bản 1: Giá dầu thế giới ổn định ở mức 60 USD/thùng. Đây là trạng thái cho thấy các biện pháp kiểm soát, khống chế mức giá trần của dầu nhập khẩu từ Nga của Mỹ và đồng minh có tác động như mong đợi. Tuy nhiên, mục tiêu giảm nguồn thu của Nga chưa thể khẳng định vì Nga có thểcó nguồn dầu dự trữ hoặc tồn kho rất lớn có thể xuất khẩu với mức giá đó.
Với mức giá này, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam với tỷ giá giả sử 24.000 VND/USD, giá thành 1 thùng dầu là 1.440.000 đồng/168 lít và giá thành mỗi lít dầu là 8.571,43 đồng. Nếu cộng các loại chi phí và thuế, mức giá này cũng dưới 20.000 đồng/lít. Việc miễn các loại thuế đánh vào xăng dầu hết hạn vào ngày 31/12/2022. Với mức giá dầu này, mức giá trong nước sẽ ổn định, lạm phát được kiểm soát, chi phí các hoạt động sản xuất, sinh hoạt liên quan đến xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm nhẹ. Do đó, các DN sẽ có thêm động lực để đầu tư, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng đóng góp ngân sách Nhà nước.
Kịch bản 2: Giá dầu thấp hơn 60 USD/thùng thậm chí giảm thấp đến mức 40 USD/thùng do lựợng dầu Nga dư thừa không xuất khẩu được buộc Nga phải giảm giá. Lượng dầu từ OPEC và Vezuela tăng lên và đưa ra thị trường dầu mỏ thế giới làm tăng cung do các nước muốn duy trì và mở rộng thị trường khi thị trường dầu xuất khẩu của Nga bị thu hẹp đáng kể. Các nước kết thúc xung đột và đạt được hòa bình bằng thỏa thuận phù hợp giữa Nga-Ukraine. Các nguồn năng lượng mới được phát triển nhất là năng lượng tái tạo làm giảm ảnh hưởng của việc gây áp lực tăng cầu dầu mỏ.
Với giá dầu giảm thấp, lạm phát được kiểm soát phần nào, kinh tế vĩ mô ổn định nhờ các chính sách điều chỉnh phù hợp. Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội để nhập khẩu lượng dầu lớn nhằm tăng dự trữ dầu mỏ quốc gia lên 6 tháng hoặc 9 tháng hoặc dài hơn để sẵn sàng có lực lượng dầu đủ lớn ứng phó hiệu quả với biến động bất lợi. Cần đầu tư xây các bể chứa dầu có quy mô lớn để mua dầu với giá thấp từ nước ngoài về tích trữ, hiện thực hóa ý tưởng xây dựng quỹ dầu mỏ quy mô lớn đủ để bình ổn giá dầu.
Cơ chế kết hợp bình ổn giá cả về sản lượng và bù giá sẽ có tác động mạnh hơn đối với giá dầu so với cơ chế chỉ sử dụng quỹ bình ổn bằng trích lập từ tiền bán dầu đang được áp dụng hiện nay. Đồng thời, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các tập đoàn kinh tế khác không đầu tư trực tiếp vào nhập khẩu xăng dầu cùng với 37 đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu trực tiếp cần chủ động, tích cực xây dựng phương án mua lại các mỏ dầu hoặc giếng dầu của nước ngoài trong điều kiện giá dầu giảm thấp.
Kịch bản 3: Giá dầu tăng vọt lên trên mức 60 USD/thùng thậm chí có thể lên tới 100 USD/thùng hoặc hơn. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất do Nga phản ứng quyết liệt, cắt giảm lượng dầu xuất khẩu quy mô lớn để trả đũa các quốc gia không thân thiện. Xung đột Nga-Ukraine bước vào giai đoạn quyết liệt. Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukriane bị bế tắc là do không bên nào chịu nhường bên nào.
Với kịch bản này, Chính phủ bên cạnh tiếp tục cắt bỏ các loại thuế và phí, cần có phương án trợ cấp tiền xăng dầu cho các hộ gia đình gặp khó khăn như ít nhất 30-50 ngàn đồng/tháng. Việc làm này không áp dụng đại trà vì có hộ gia đình có thu nhập cao, trợ cấp không cần thiết. Đây là cách thức phản ứng kịp thời với chi phí xăng dầu tăng cao để thể hiện tính nhân văn và vai trò nhà nước trong khắc phục khuyết tật thị trường. Coi trọng việc tiết kiệm năng lượng bằng các chương trình, chính sách và giải pháp phù hợp.
Chuyển đổi quyết liệt cơ cấu năng lượng, giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ và tăng các nguồn năng lượng thay thế phù hợp nhất như thủy năng, quang năng, sinh năng, phong năng, năng lượng hạt nhân và các loại năng lượng khác; chuyển đổi quyết liệt từ ô tô, xe máy và các thiết bị sử dụng nhiều xăng dầu sang sử dụng tiết kiệm xăng dầu hoặc sử dụng hoàn toàn năng lượng điện hoặc các dạng năng lượng khác.