Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đặt những "viên gạch" đầu tiên hiện thực hóa cam kết ở COP26

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/12, tại Hội thảo kết quả lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các đại biểu nhận định các mục tiêu cam kết của Việt Nam mang tính thực tiễn cao và có khởi đầu triển khai đúng hướng.

Cam kết mạnh mẽ và thực tiễn
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhận định, Hội nghị COP26 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một thách thức lớn và vấn đề khẩn cấp trên toàn cầu.
 Quang cảnh Hội thảo. 
Dựa trên dự báo sát xu thế thời đại, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời và quyết liệt để Việt Nam tham gia, đóng góp vào thành công của Hội nghị cũng như triển khai những cam kết tại COP26.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đã thể hiện những quyết định cách mạng và quyết tâm chính trị lớn, bao gồm cam kết cùng cộng đồng thế giới đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia giảm phát thải khí Metan còn 30% đến năm 2030, chuyển đổi sử dụng than sang năng lượng sạch và tiến tới không sử dụng năng lượng hóa thạch.
“Đây là minh chứng cho sự nhạy bén, trách nhiệm và nhận thức về tầm nhìn của Việt Nam trước những nguy cơ thách thức này, qua đó để biến chúng thành hành động”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Đánh giá cao những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng, những nội dung này dựa trên cơ sở tận dụng những lợi thế cũng như mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. 
Cụ thể, là một quốc gia có diện tích rừng lớn và trải dài, Việt Nam cũng là một trong số 141 quốc gia thông qua Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, trong đó có giải pháp tăng cường bảo tồn và phát triển rừng nhiệt đới. Việt Nam cũng đóng góp vào cam kết giảm khí Metan, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam có tiềm năng để phát triển năng lượng gió, điện mặt trời.
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo. 
COP26 cũng đề cập đến những vấn đề nhức nhối mà Việt Nam đang đối mặt, như tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các khư vực như Đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng biển duyên hải hay việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, để đạt mục tiêu đồng thời giảm phát thải nhà kính và đảm bảo an ninh lương thực.
“Có thể thấy, những mục tiêu cam kết của Việt Nam phù hợp với xu hướng bền vững ngày càng phát triển trên thế giới”, Đại sứ Gareth Ward chia sẻ.
Những “viên gạch” ban đầu
Chia sẻ về cụ thể các bước triển khai tiếp theo cam kết tại Hội nghị COP26, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã bước đầu triển khai thể chế hóa các cam kết ở Hội nghị COP26 để nhanh chóng đưa vào điều chỉnh các hoạt động phát triển. 
"Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết giảm phát thải methan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển", ông Tấn cho biết.  
 
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: "Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 (Chương ứng phó với BĐKH) và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon đã được xây dựng theo hướng tiếp cận các quy định mới nhất trong đàm phán BĐKH, hoàn toàn phù hợp với các quy định mới nhất vừa được thông qua tại COP26 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với BĐKH".
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng cơ hội huy động nguồn lực cho các dự án phát triển ít phát thải; phối hợp triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi; phát triển công cụ định giá carbon…
Tuy nhiên ông Tấn cũng đề cập tới một số thách thức hiện nay trong triển khai các mục tiêu cam kết như còn thiếu nguồn nhân lực trong nước, trong khi đó chưa thể phát huy hết nguồn lực nước ngoài dồi dào do vướng cơ chế, thủ tục hành chính; huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong dài hạn.
Cộng đồng quốc tế sẵn sàng chung tay 
Các đại diện từ các quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo nhìn chung đều ủng hộ những cam kết của Việt Nam ở COP26, đồng thời khẳng định sẽ đồng hành trong lộ trình tiến tới thực hiện những mục tiêu đó.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, cơ quan này đồng chủ trì một nhóm công tác kỹ thuật về NDC – Đóng góp do quốc gia cam kết và đã kết hợp với nhóm các đối tác phát triển ở Việt Nam nhằm đưa ra các hỗ trợ, đồng thời thảo luận về các vấn đề ưu tiên, điều chỉnh sự hỗ trợ với Việt Nam trong tiến tới các mục tiêu cam kết ở COP26.
Theo đó, UNDP sẵn sàng thúc đẩy sự hỗ trợ các nhà tài trợ đồng chí hướng, tăng cường nguồn lực đầu tư của khu vực công - tư, đưa ra các cơ chế ODA và khoản vay ưu đãi vào các dự án xanh, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trên.  
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam một lần nữa khẳng định, Việt Nam đã đưa ra những quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Về phía Liên minh châu Âu luôn ủng hộ Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050. Để có được điều đó, Việt Nam cần hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế số, tham gia nền kinh tế tuần hoàn đạt được sản xuất xanh và tiêu dùng sạch; những dự án và chương trình thực sự mang lại lợi ích về sinh kế và sản xuất; tích cực dịch chuyển năng lượng, gia tăng cấu phần tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cấu phần năng lượng chung...