Trong hai ngày (8-9/11), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32) theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị do Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta và Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng, đại diện 21 nền kinh tế thành viên.
Phiên họp ngày 9/11 với chủ đề “Hợp tác kỹ thuật là công cụ đẩy nhanh phục hồi kinh tế”, các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi và thống nhất tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch bảo đảm tiếp cận bình đẳng vaccine, các biện pháp chữa trị, hợp tác nghiên cứu, mở rộng sản xuất, cung ứng vaccine, đầu tư cho hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, bảo đảm khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động và kết nối thông qua các nỗ lực bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, không phân biệt đối xử; không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy quan hệ thương mại cùng có lợi; nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.
Ngoài ra, các chính sách kinh tế, thương mại và xã hội phải đem lại cơ hội công bằng, bảo đảm việc làm cho mọi người dân, phát huy tiềm năng của các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân vùng sâu, vùng xa.
Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an ninh lượng thực, nguồn nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các nỗ lực của APEC trong duy trì đà hợp tác của khu vực, đẩy lùi đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng khẳng định Tầm nhìn Putrayaja 2040 là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm và cam kết của các thành viên APEC cùng vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, vì sự thịnh vượng của người dân và các thế hệ tương lai.
Về định hướng ưu tiên hợp tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 4 nội dung chính như sau:
Thứ nhất, APEC cần phát huy vai trò đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do: hạn chế các biện pháp cản trở thương mại, phân biệt đối xử, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; mở rộng mạng lưới các hiệp địch FTAs; thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ và cải cách WTO.
Thứ hai, cần nâng cao sức chống chịu, tự cường của các chuỗi cung ứng: đẩy nhanh tiến độ thực thi các chương trình hợp tác đã thống nhất về kết nối, kinh tế số, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp.
Thứ ba, góp phần kiểm soát thành công đại dịch Covid thông qua hỗ trợ các thành viên tiếp cận vaccine một cách kịp thời, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine; nâng cao năng lực hệ thống y tế cộng đồng và khả năng ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và khẩn cấp y tế trong tương lai.
Thứ tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế song hành với củng cố tính tự cường, bền vững và bao trùm toàn cầu: thúc đẩy hợp tác về thuận lợi hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng – nguồn nước – lương thực, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và hỗ trợ các nhóm yếu thế.
Trước đó, trong ngày 08/11, các Bộ trưởng Thương mại APEC đã thảo luận chủ đề “Thương mại là động lực đẩy nhanh phục hồi kinh tế” với ba nội dung chính là: kinh nghiệm phục hồi kinh tế trong nước; các nỗ lực hợp tác thương mại và đầu tư vì phục hồi của khu vực; đóng góp của APEC đối với HNBT WTO lần thứ 12.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và hai phụ lục gồm: Báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kì lộ trình cạnh tranh dịch vụ trong APEC và Danh mục tham khảo các dịch vụ môi trường APEC.