Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Việt Nam - EU cần mối quan hệ xứng tầm với những gì đang có"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định với báo chí Việt Nam của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell Fontelles, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 - 31/7.

Qua chuyến thăm lần này, ông Josep Borrell chia sẻ ấn tượng về nỗ lực kiên cường của con người, sự phát triển nhanh chóng của đất nước Việt Nam cũng như những nỗ lực ngoại giao của quốc gia nhằm thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nước trên toàn thế giới.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier (trái) và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Josep Borrell Fontelles, trao đổi với báo chí ngày 31/7. Ảnh: Cẩm Anh
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier (trái) và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Josep Borrell Fontelles, trao đổi với báo chí ngày 31/7. Ảnh: Cẩm Anh

Phó Chủ tịch EC đã đến dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bày tỏ chia buồn sâu sắc với toàn thể Nhân dân Việt Nam. Đại diện cấp cao EU cũng khẳng định, Tổng Bí thư đã có những đóng góp quan trọng vào tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có thiết lập quan hệ khăng khít với châu Âu.

Thời điểm “chín muồi” cho việc nâng tầm quan hệ

Qua cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Phó Chủ tịch EC cho biết, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ với EU.

“Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của EU trong khu vực Đông Nam Á, với số lượng hiệp định, thỏa thuận hợp tác nhiều nhất trong khu vực,” ông Josep Borrell nhấn mạnh.

Một trong số những thành quả này là nhờ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) kể từ năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai bên tăng 36%.

Mặt khác, bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, việc bảo tồn thiên nhiên và tạo ra năng lượng sạch cũng rất quan trọng, Phó Chủ tịch EC nhận định. “Thông qua cơ chế JETP, EU cam kết song hành với Việt Nam về mục tiêu net zero[Lượng phát thải ròng bằng 0], nhờ các dự án ưu tiên đồng thời hoạt động thúc đẩy cải cách chính sách liên quan,” ông cho biết.

Ông Josep Borrell khẳng định Việt Nam hiện là đối tác rất quan trọng của EU, đặc biệt trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Kể từ khi công bố chiến lược này năm 2021, EU ngày càng nhận thức vai trò trung tâm của khu vực, cũng như ASEAN. Dù sắp tới có sự thay đổi, tiếp nối trong ban lãnh đạo EU, sự quan tâm của châu Âu với khu vực này sẽ tiếp tục được duy trì và thậm chí mạnh mẽ hơn nữa, theo ông Josep Borrell. 

"Tôi mong muốn chuyến thăm lần này sẽ khởi động quá trình nâng cấp mối quan hệ hai bên lên một tầm cao mới,” Phó Chủ tịch EC Josep Borrell nhận định.

Cho rằng đây là thời điểm chín muồi để hai bên nâng cấp quan hệ, Phó Chủ tịch EC tái khẳng định, Việt Nam là quốc gia hiện có nhiều thỏa thuận và hiệp định nhất với EU trong ASEAN.

“Một cách tự nhiên, khi hai bên có mối quan hệ mạnh mẽ, chặt chẽ về kinh tế, cần có động thái công nhận thực tế và thúc đẩy mối quan hệ đó,” ông chia sẻ với báo giới Việt Nam. Đồng thời nhận định Việt Nam và EU có thiện chí chính trị sâu sắc và mạnh mẽ, cần có một mối quan hệ tương xứng với những gì hai bên đang có.  

Câu chuyện thẻ vàng

Theo Phó Chủ tịch EC, cả EU và Việt Nam cần phải nỗ lực để đảm bảo sự bền vững của nguồn lợi thủy sản, một cộng đồng ngư dân ngư nghiệp bền vững trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với ngành thủy sản của Việt Nam, ông thông tin, EU đã có cuộc trao đổi hiệu quả với Bộ NN&PTNN, bao gồm các chương trình lắp đặt thiết bị trên tàu cá để truy vết, góp phần đảm bảo thực thi hiệu quả các biện pháp tại các địa phương liên quan.

Phía EU kỳ vọng các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ đưa ra bản báo cáo mới vào mùa Thu năm nay trước chuyến công tác của đoàn EU sang Việt Nam kiểm tra tình hình thực tế và xem xét việc gỡ “thẻ vàng” IUU. 

Liên quan đến tình hình Biển Đông, sự gia tăng căng thẳng tại khu vực này cũng khiến EU khá quan ngại. Đối với EU, đây là nơi có lợi ích trực tiếp khi 40% lượng hàng nhập khẩu và 20% lượng hàng hóa xuất khẩu thông thương qua vùng biển này. Theo đó, Phó Chủ tịch EC kỳ vọng các bên liên quan sẽ tăng cường đối thoại và có thêm những nỗ lực ngoại giao hơn nữa. Về phía EU sẵn sàng và đã có những hợp tác cụ thể với Việt Nam về bảo vệ hòa bình, an ninh mạng, an ninh hàng hải, quản lý khủng hoảng...