Hiện nay, Việt Nam đang có 41/63 tỉnh, TP đang xây dựng đô thị thông minh, trong đó bao gồm 27 địa phương xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh và 14 địa phương xây dựng đô thị thông minh trực thuộc tỉnh. Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Năm 2018 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh.
Căn cứ vào Đề án 950, ngày 12/5/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”.
Phát biểu tại buổi lễ triển khai dự án, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) Nguyễn Thành Trung cho biết, thời gian qua, ngành xây dựng của Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bước tiến này có sự đóng góp tích cực của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC).
Vì vậy, trường đã được Bộ Xây dựng giao làm chủ dự án VKC, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và đơn vị đối tác của phía Hàn Quốc để tổ chức thực hiện dự án đảm bảo đạt được mục tiêu, kết quả dự kiến đề ra.
“Tin tưởng rằng, với kinh nghiệm quản lý, phát triển đô thị, đặt biệt là kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của phía Hàn Quốc và tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các bên, dự án VKC sẽ được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chiến lược quốc gia phát triển đô thị bền vững, quản lý phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam” – ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ triển khai dự án, TS Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện AMC cho biết, theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 52/2019-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 50/2020/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52. Các, bộ ngành, địa phương được được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát triển đô thị thông minh bền vững; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế.
“Thời gian tới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tập trung vào xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh phù hợp với bối cảnh Việt Nam; đồng thời, cần thiết tham gia hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn quản lý, phát triển đô thị. Do đó, việc thực hiện dự án VKC sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình này” – TS Trần Hữu Hà cho hay.
Về phía đại diện Chính phủ Hàn Quốc, Chủ tịch Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn quốc (KICT) Kim Byung Suk đánh giá cao những kết quả hợp tác song phương trong lĩnh vực xây dựng nói riêng của 2 nước thời gian qua. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ phía Việt Nam hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ xây dựng trong phát triển ngành xây dựng, nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, cấp quản lý tại địa phương thông qua việc xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và những hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc.