Cả ngân hàng, người dùng được hưởng lợi
Tại toạ đàm "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 28/9, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng cho hay, 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.
Trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Những tiến bộ trong công nghệ tài chính (Fintech) đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển ứng dụng như: Thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa….
Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống. 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số, và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển, nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng ví dụ, một số ngân hàng lớn như VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… Đây là những ngân hàng chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40 - 50% góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40 - 50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.
Hoàn thiện thể chế, tuyên truyền an toàn tài chính cho người dân
Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số… hành lang pháp lý
Ông Lê Anh Dũng cho hay, NHNN sẽ hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo những vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro thách thức.
Hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác (kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác) để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.
Theo đại diện Vụ Thanh toán, trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. "Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… Chính vì vậy người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng" - đại diện Vụ Thanh toán cho hay.