Việt Nam nhập khẩu trên 67.000 tấn thịt lợn từ 8 quốc gia

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức chiều 3/1.

Thịt lợn nhập khẩu có mặt ngày một nhiều trên thị trường.
Theo Cục Chăn nuôi, để bù đắp sản lượng thị lợn giảm trên 16,8%,các bộ ngành chủ trương để doanh nghiệp nhập khẩu các loại thịt. Trong năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.
Số lượng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ các nước là trên 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2018 là 239.000 tấn). Trong đó, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn: 67.131 tấn (tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2018). Thị trường nhập khẩu chủ yếu là từ các nước Đức (24,92%), Ba Lan (17,31%), Braxin (13,82%), Canada (7,86%), Hoa Kỳ (6,68%), và một số nước khác như Italia, Bỉ, Tây Ban Nha.
Cùng với thịt lợn, sản lượng nhập khẩu một số loại thịt khác là: Thịt trâu và sản phẩm thịt trâu: 45.176 tấn (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó 99,8% được nhập khẩu từ Ấn Độ.
Thịt bò và sản phẩm thịt bò: Trên 550.000 trâu bò sống, gần 60.000 tấn thịt (có xương và không xương), chủ yếu nhập khẩu từ Úc 43%, Hoa kỳ 32%, Anh 11%, Canada 5%, Nga 3% và một tỷ lệ nhỏ từ một số nước khác.
Cùng với nhập khẩu, năm 2019, Việt Nam cũng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cả nước xuất khẩu khoảng 11.500 tấn thịt lợn các loại, kim ngạch đạt trên 55,3 triệu USD.
Ngoài ra, còn xuất khẩu trên 23.300 tấn thịt gà, kim ngạch đạt gần 22,2 triệu USD; trên 30.000tấn mật ong; khoảng 2 triệu con gà giống; và gần 22 triệu USD thịt chế biến.