Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh các vấn đề xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường hỗ trợ cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài…

PGS.TS Nguyễn Anh Thu.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu.

Nhiều ảnh hưởng thấy được, tức khắc

Thưa bà, xung đột Nga - Ukraine đã nổ ra, kèm theo đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga của các nước phương Tây, rồi các biện pháp trả đũa của Nga, bà đánh giá đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những ảnh hưởng như thế nào?

- Xung đột Nga- Ukraine đã và đang tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính nhiều quốc gia. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Khi các nước bị ảnh hưởng thì Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với những tác động đáng kể.

Tháng 2, xuất khẩu sang Nga chỉ đạt hơn 180 triệu USD, giảm tới 44,46% so với tháng 1; so với cùng kỳ 2021, cũng giảm đến 12,45%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang Ukraine chỉ đạt gần 13 triệu USD, giảm mạnh tới 60,3% so với tháng đầu năm; so với cùng kỳ năm 2021 giảm đến 32,8%. Tuy nhiên, tác động của 2 thị trường nêu trên đến kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước là không đáng kể vì tỷ trọng đóng góp khá khiêm tốn trong tổng kim ngạch chung của Việt Nam.

Cụ thể, hết tháng 2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga mới đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong khi của Ukraine chỉ đạt xấp xỉ 100 triệu USD, chiếm gần 0,1%.

Nga và Ukraine không phải là các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam nhưng xung đột này cũng ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh kinh tế của nước ta, đặc biệt về các khía cạnh như xăng dầu, lạm phát của Việt Nam.

Ngay như từ tuần cuối cùng của tháng 2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã liên tục có diễn biến tăng nóng và đạt mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Giá dầu thế giới tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn tới nền kinh tế nước ta, dẫn đến giá xăng Việt Nam tăng đến gần 30.000 đồng.

Theo ước tính, giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%. Tại Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Vì thế, khi giá xăng dầu tăng, tổng cầu của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%.

Về lạm phát, theo ước tính, giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng có thể khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao. Hiện nay Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và đã phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như các gói hỗ trợ kinh tế và giảm thuế VAT, lệ phí trước bạ cho ô tô… Do đó, nếu lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động kép và có thể làm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giảm hiệu quả đáng kể.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (trong đó có Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô…

Còn những ảnh hưởng về tăng trưởng, du lịch hay việc phương Tây loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ tác động thế nào?

- Việc Nga bị loại khỏi SWIFT về lâu dài và các lệnh trừng phạt của một số nước nhằm vào Nga sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và công cụ thanh toán, khiến cho việc thanh toán, mua bán hàng hóa giữa các DN Việt Nam với Nga, gặp khó khăn.

Đối với khách du lịch, theo tính toán BVSC, trước dịch Covid-19, tỷ trọng khách du lịch từ Nga tới Việt Nam cũng chỉ ở mức 2 - 3%. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2022, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, tỷ trọng khách du lịch từ Nga đã tăng lên 7 - 8%, đứng thứ 3 trong số các quốc gia có khách du lịch tới Việt Nam. Do đó, nếu tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài và Nga chịu các lệnh trừng phạt, nhiều khả năng lượng khách du lịch từ Nga tới Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Việt Nam có cơ hội lớn kêu gọi được đầu tư

Ngoài những tiêu cực, chúng ta có tìm được cơ hội, những tín hiệu thuận lợi trong bối cảnh như vậy hay không?

- Tuy gặp nhiều vấn đề về kinh tế khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Việt Nam cũng có một số cơ hội có thể nắm bắt được: Thứ nhất, về đầu tư quốc tế, xung đột Nga-Ukraine có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế cần tìm một bến đỗ mới với nền chính trị ổn định, và Việt Nam là một trong các quốc gia như vậy. Rất nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi Nga thời gian vừa qua trong rất nhiều lĩnh vực như ô tô, công nghệ, hàng không… Và Việt Nam đủ khả năng thu hút các DN trong những lĩnh vực này về nước mình.

Trong khi đó, điểm mạnh của Việt Nam kinh tế tăng trưởng khá, Việt Nam có nhiều lợi thế với các FTA thế hệ mới, song phương, đa phương, đặc biệt là sự ổn định chính trị xã hội. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu bắt đầu chuyển dịch do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam có khả năng lớn kêu gọi được đầu tư. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chọn Việt Nam như là điểm đến an toàn để đầu tư, như là nguồn cung ứng an toàn cho chuỗi cung ứng đó. Ổn định chính trị xã hội chính là lợi thế ta có thể tăng cường, tranh thủ biến Việt Nam thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Các DN, cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Bản thân các DN cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp. Các DN Việt Nam rất giỏi trong việc linh hoạt ở những thời điểm sang chấn như hiện nay. Quan trọng DN cần nhìn rủi ro này là cơ hội để đa dạng hóa thị trường, tính lại cấu trúc giá sản phẩm." - PGS.TS Nguyễn Anh Thu

Thứ hai, việc bị cấm vận liên tiếp khiến các mặt hàng Nga có thế mạnh sẽ gặp khó khăn trong thị trường quốc tế và để lại thị phần cho các quốc gia khác chiếm lĩnh. Một số thị phần mà Việt Nam có thể chiếm lĩnh như phân bón, lương thực. Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới, khi bị cấm vận sẽ lại một thị trường lớn để Việt Nam tận dụng bởi chúng ta đang có khả năng xuất khẩu sản phẩm này. Về lương thực, một số thị trường vốn nhập nông sản từ Nga có thể bị gián đoạn… Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine, nhất là sau khi Việt Nam đã ký kết được EVFTA với EU thời gian trước.

Mặt khác, khó khăn, tai họa cũng tạo sức ép, động lực để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, thay đổi chiến lược kinh doanh của DN từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều hành kinh tế chúng ta cần quan tâm tới những giải pháp nào để giảm thiểu tiêu cực và tận dụng cơ hội không, thưa bà?

- Phải chống lạm phát, kiểm soát giá thành và chi phí sản xuất của các DN trong nền kinh tế sao cho phù hợp. Không để tăng theo cách “té nước theo mưa”. Để ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tránh áp lực lạm phát, Nhà nước phải có biện pháp kiểm soát chặt, đồng thời phải chuẩn bị nguồn cung ứng, tránh hiện tượng khan hiếm giả cả hàng hóa không cần thiết. Ngoài ra, phải áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi.

Cần giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Về lâu dài, có chiến lược tăng tính tự cường, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, tăng năng lực dự trữ và năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở thông tin, dữ liệu và khoa học hơn.

Bộ Công Thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và DN lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm trễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Chính vì vậy, các DN tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, giảm chi phí cho DN là rất cần thiết. Một số chi phí có liên quan như: Chi phí tiếp cận, chi phí về logistics, chi phí vận tải, chi phí bến đỗ, kho bãi…, Chính phủ có thể tính toán để giảm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý, giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ.

Về thương mại xuất khẩu, cần đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ DN ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay. Với việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần chú trọng triển khai hiệu quả các FTA. Về lâu dài, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hoặc qua những nước không cấm vận Nga như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,… và đưa ra chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn. Tập trung kết nối với các DN đang tìm nguồn cung mới với những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.

Về du lịch, từ ngày 15/3, Chính phủ cho mở cửa rộng rãi cho đón khách quốc tế. Có thể thời gian đầu sẽ thiếu vắng thị trường khách Nga, nhưng không ảnh hưởng lớn. Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động đón khách sang nhiều thị trường khác như Bắc Âu, Úc, châu Á, Trung Quốc và khách nội địa. Mục tiêu năm 2022, ngành du lịch đón 5 - 6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa.

Xin cảm ơn bà!