Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp châu Âu

Công Thọ - Tú Anh - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/5/2018, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu” (Meet Europe) 2018.

Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng hơn 500 đại biểu là các đại diện lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... 
Quan hệ Viêt Nam và EU mở rộng trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu đang phát triển hết sức tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh gia tăng, áp lực bảo hộ thương mại ngày càng gay gắt.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Sau khi Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam – EU có hiệu lực, quan hệ giữa Viêt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, cả trên góc độ Việt Nam – EU nói chung và Việt Nam với từng thành viên của EU nói riêng.
EU không chỉ là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại mà còn là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam cũng đang triển khai quan hệ hợp tác với các nước thành viên EU. Hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam và châu Âu cũng đang phát triển sôi động, thu hút sự tham gia ngày càng đa dạng từ nhiều đối tác ở cả cấp độ T.Ư và địa phương.
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – EU còn rất nhiều dư địa để phát triển. Năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới với việc ký kết bản phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Khối EFTA sẽ tạo xung lực mới để hai bên khai thác tối đa tiềm năng thị trường tạo ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai bên.
Tại Hội nghị, đồng Chủ tịch EuroCham, ông Denis Brunetti cho biết: “Việt Nam đang định hướng phát triển với tiêu chí chất lượng, hiệu quả, bền vững và đổi mới. Chúng tôi đã thấy được thông điệp này từ phía Chính phủ và những nỗ lực của họ trong việc cải thiện thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh và định hình lại việc quản lý các doanh nghiệp Việt Nam truyền thống”.
Theo ông Denis Brunetti, Hội nghị cho thấy không chỉ các doanh nghiệp lớn đã và đang hoạt động trên thị trường Việt Nam mà những nhà đầu tư trong tương lai cũng đang rất nhiệt tình với cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đối tác châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập.
“Các bạn là nhà đầu tư FDI lớn với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt kim ngạch thương mại trong 10 năm qua 2006-2017 đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD năm 2017”, Thủ tướng nói. Ngày nay, Việt Nam, châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ và phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết.
Giới thiệu tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu. Tinh thần doanh nghiệp, khởi nghiệp đang trở thành động lực cho phát triển quốc gia, nhất là trong lớp thanh niên trẻ.
Thủ tướng cho rằng tất cả các biện pháp cải cách hiện nay đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố, địa phương, nơi các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đã, đang và sẽ có các dự án hợp tác, đầu tư kinh doanh. “Lúc nãy, ông Bruno, Đại sứ EU vừa nói với tôi, các cải cách hiện nay chủ yếu nằm ở các địa phương. Đúng như vậy. Và tôi cũng suy nghĩ rằng muốn thành công đến cùng về kinh tế phải là doanh nghiệp và người dân của chúng ta”.
Thủ tướng khẳng định: Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Âu, đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, vươn lên những thang, bậc có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
“Cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam, mà còn đến từ sự sẵn sàng và quyết tâm của các bạn. Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng với hơn 2.000 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam”, Thủ tướng nói và bày tỏ vui mừng trước kết quả trong Báo cáo khảo sát của Eurocham về môi trường đầu tư Việt Nam tháng 3/2018 vừa qua, trong đó 90% doanh nghiệp châu Âu mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và EuroCham - 
“Tôi mong rằng đến kỳ khảo sát lần sau con số này phải tiến tới gần 100%. Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và lâu dài cho tất cả các bạn, tất cả các doanh nghiệp châu Âu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng mong các đối tác, doanh nghiệp châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác Việt Nam. “Tôi mong rằng các quý vị đại biểu châu Âu, nhất là các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cùng chung nỗ lực với chúng tôi trong việc này, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai bên”.
Thủ tướng cho biết thêm, tháng 10/2018, dự kiến Thủ tướng sẽ đi châu Âu dự Hội nghị Cấp cao ASEM 12. Đây sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam và châu Âu, trong đó có trao đổi về Hiệp định EVFTA nhằm mở ra không gian hợp tác rộng lớn, thuận lợi cho hai bên, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu phát triển đầu tư, kinh doanh hiệu quả.

Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Châu Âu. Sau 15 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Hoà bình, Hà Nội được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận về sự an toàn, thân thiện, mến khách, một thành phố văn minh quyến rũ, với những nét văn hóa đặc sắc, với nhiều món ẩm thực nổi tiếng.

Hà Nội xác định tầm nhìn xây dựng một Thủ đô “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, thành phố Hà Nội đang tập trung vào ba khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.

  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Thành phố xác định mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiện chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội đứng thứ 13, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 2 cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Nhờ đó, Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn. Năm 2016, năm 2017, Thành phố đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng thứ 2 của Việt Nam.

Theo Chủ tịch, châu Âu được biết đến với một nền văn hoá đa dạng, cổ kính với nhiều công trình có kiến trúc cổ kính và hiện đại, nhiều tác phẩm nổi tiếng trong hội hoạ, âm nhạc, các hãng thời trang với các tên tuổi thương hiệu nổi tiếng. Qua các giai đoạn lịch sử, Châu Âu vẫn giữ nguyên trong lòng mình những nét cổ điển và sang trọng và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới.

Châu Âu có một nền giáo dục phát triển đồng bộ; các trường đại học, viện nghiên cứu ở Châu Âu từ lâu đã nổi tiếng với tiêu chuẩn giáo dục chất lượng xếp hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sự đa dạng về ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ đã trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến, là cầu nối gắn kết nhiều nước trên thế giới lại gần nhau.

Ẩm thực Châu Âu rất đặc trưng và có sức ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực thế giới nói chung, đến người Việt Nam và người Hà Nội nói riêng với các sản phẩm nổi tiếng về rượu vang, rượu mạnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản rất phong phú và đa dạng.

Châu Âu cũng đã xây dựng và phát triển được một nền thể thao, có phương thức quản lý, phát triển thể thao nổi tiếng toàn thế giới với các giải bóng đá Châu Âu, cúp C1, các giải bóng ngoại hạng của các nước Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha; các giải Tenis, giải đua Công thức 1.

Đồng thời, với nền khoa học kỹ thuật phát triển, là “cái nôi” của các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới; có nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng trong phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt, trong các lĩnh vực chế tạo, sản xuất, y học, công nghệ vật liệu mới, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, các giải pháp, biện pháp ứng phó với việc chống biến đổi khí hậu, các giải pháp cho việc xây dựng thành phố thông minh. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, châu Âu cũng có tới 8 quốc gia trong số 10 quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.

Châu Âu có nhiều thành tựu kinh nghiệm nổi bật trong khoa học quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh, khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Với một bề dày về lịch sử, có một nền tảng văn hóa lâu đời nổi tiếng và một nền kinh tế phát triển, là lục địa có mức sống cao trên thế giới, vì thế ngành du lịch Châu Âu luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách. Chính việc chú trọng bảo tồn và giữ gìn các nét giá trị văn hóa và lịch sử nên ngành du lịch và dịch vụ của Châu Âu đã có những phát triển vượt bậc.

Trong nhiều thập kỷ qua, EU luôn là đối tác đáng tin cậy và đang hỗ trợ quá trình hội nhập của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện có 28 quốc gia EU đầu tư 548 dự án với vốn đầu tư trên 3,8 tỷ USD; số lượng khách du lịch Châu Âu đến Hà Nội năm 2017 là 850 ngàn lượt khách, tăng 21% so với năm 2016.

Bên cạnh các hoạt động về đầu tư, thương mại, thành phố Hà Nội luôn chú trọng với các nội dung trong hợp tác với nước thành viên EU trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, kinh tế, thương mại, đối ngoại, giao lưu nhân dân.

Thành phố Hà Nội luôn xác định công đồng doanh nghiệp của các quốc gia Châu Âu là đối tác tin cậy trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực để giúp thúc đẩy phát triển bền vững. Eurocham là cầu nối giữa Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu.

Hà Nội mong muốn thu hút kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát và xử lý môi trường; quy hoạch đô thị; công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng, trung tâm logistics, cơ sở hạ tầng phục vu du lịch, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hợp tác trong việc thực hiện các giải pháp để xây dựng thành phố thông minh và các giải pháp chống biến đổi khí hậu làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn và kỳ vọng được hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp Châu Âu trong việc quản lý đô thị, xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững, áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực môi trường, quản lý kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; gắn kết các sáng kiến trong đào tạo nghề, lao động chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và Ngài Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu năm 2018” này là cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi tìm hiểu, kết nối hợp tác. Chính quyền thành phố Hà Nội luôn đồng hành với các doanh nghiệp đến từ Châu Âu, và cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh: thông thoáng, minh bạch hơn nữa và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU trên địa bàn làm ăn, kinh doanh, lâu dài, ổn định” Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần