Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng sạch và tái tạo với tầm nhìn dài hạn, tập trung vào nguồn lực về con người, khoa học công nghệ và tài chính – tín dụng, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế carbon thấp. Các ngành năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đã và đang làm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng thân thiện, bền vững.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam có số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lên tới 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 3.000 – 5.000 kCal/m2/ngày.
Còn theo bản đồ gió toàn cầu (Earth Wind Map), ước tính hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6m/s, ở độ cao 65m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7m/s, tương ứng với tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Tính đến yếu tố hạn chế về sử dụng đất, tiềm năng phát triển điện gió ở trên bờ vào khoảng 42 GW, phù hợp triển khai điện gió quy mô lớn.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên hiện nay, năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển nhanh, rộng. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản như: Rào cản về thể chế, pháp lý, kỹ thuật, thương mại, thị trường và nhân lực kỹ thuật.
Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã chia sẻ các nội dung liên quan đến chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam…