TS. Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT), Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam, cho biết, với kết quả của Việt Nam trong kỳ thi PISA 2012 (đứng trong top 20 quốc gia và vùng kinh tế có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm trung bình của OECD), Bộ GDĐT đã đưa ra một số kết quả phân tích sâu từ cuộc khảo sát.
Cụ thể, chỉ số kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam là thấp nhất trong 68 nước tham gia. Trình độ học vấn của cha mẹ đứng thứ 2 từ dưới lên, với vị trí 67/68 nước.
Tương tự, sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh cũng đứng vị trí 67/68. Đáng lưu ý, về thời gian học thêm, kết quả khảo sát đưa số liệu học sinh Việt Nam lọt tốp 5, đứng vị trí thứ 5/68. Về tính kiên trì đứng thứ 7/68.
Theo bà Mỹ Hà, chính điều này giúp học sinh Việt Nam đạt được kết quả tốt trong kỳ khảo sát. Các em hoàn thành hầu hết các câu hỏi trong đề kiểm tra, trong khi nhiều học sinh của các nước thuộc OECD có thể dễ dàng bỏ qua các câu hỏi nếu các em không thích hoặc thấy quá khó.
Một số chỉ số đối với giáo viên cũng được Bộ công bố cụ thể: Môi trường kỷ luật ở trường học đứng thứ 5/68 - tính kỷ luật ở trường học Việt Nam rất cao. Riêng về mối quan hệ giáo viên-học sinh xếp thứ 45/68. Điều này thể hiện mối quan hệ lỏng lẻo giữa thầy và trò.
Về chỉ số kích hoạt nhận thức trong việc học toán của học sinh đứng thứ 49/68. Giáo viên chưa có nhiều biện pháp, sáng kiến kích thích học sinh trong giờ học.
Sau khi phân tích những hạn chế và ưu điểm qua kỳ khảo sát, TS. Hà cũng đưa ra đề xuất trong kỳ khảo sát PISA 2015, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực cấp Trung ương, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi.
Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam cũng cho biết, PISA 2015 sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực khoa học, đòi hỏi học sinh cần có tư duy tổng hợp giải quyết vấn đề liên quan đến khoa học, những hiểu biết liên quan đến toàn cầu... Đây là những thách thức đối với học sinh Việt Nam.
Các ý kiến thảo luận của các Sở GDĐT trong Hội nghị đều mong muốn thời gian tới Bộ GDĐT sẽ quan tâm để các tỉnh, thành phố trên cả nước đều được tham gia đánh giá, khảo sát. Cùng với đó, Bộ tăng cường hơn nữa phần tập huấn về kỹ thuật đánh giá PISA cho các địa phương, mở rộng đối tượng tham gia tập huấn đến nhiều giáo viên...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Việt Nam sẽ chính thức tham gia đánh giá PISA 2015. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: Về lâu dài, kết quả PISA có thể sử dụng làm cơ sở đánh giá tốt nghiệp THPT, đồng thời là nguyên liệu để tuyển sinh đại học.
Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị cho kỳ khảo sát PISA 2015. Ảnh minh họa
|