Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam thăng hạng trong danh sách cạnh tranh toàn cầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động.

 

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017 - 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 55 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm nay, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước.

Thành quả này có được là nhờ những tiến bộ đáng kể trong các chỉ số về sẵn sàng đổi mới công nghệ và hiệu quả thị trường lao động.

Bên cạnh đó, thương mại cũng là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự thăng hạng của Việt Nam năm nay. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ giá trị nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đứng thứ 11 về chỉ số xuất khẩu.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) có thể giảm một số cơ hội, nhưng báo cáo cho rằng Việt Nam vẫn phát triển mạnh nhờ lợi thế xuất khẩu.

Trong khi đó, Indonesia xếp hạng 36 so với hạng 41 vào năm 2016 nhờ lợi thế về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hạ tầng. Dù có thăng trầm trong nhưng năm gần đây nhưng Indonesia đã tăng 14 bậc so với cách đây 5 năm.

Nhìn chung, các quốc gia Đông Nam Á đều có sự tiến bộ trong báo cáo năm nay, với những thứ hạng rất cao như: Singapore (thứ 3); Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32).

Dẫn đầu bảng xếp hạng của WEF không phải là các nền kinh tế lớn của thế giới. Thụy Sĩ, quốc gia nhỏ ở châu Âu, mới là nước có điểm năng lực cạnh tranh cao nhất, theo sau là Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, dù tăng hạng nhưng vẫn nằm ở vị trí thứ 27, một khoảng cách khá xa so với Nhật Bản (thứ 9).