Theo đó, doanh thu cả quý 2 chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu Vinasun đi xuống.
Doanh thu giảm sâu khiến Vinasun lỗ gộp gần 64 tỷ đồng và lỗ tới 115 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, cao gấp hơn 3 lần so với quý trước.
Không chỉ hoạt động kinh doanh đi xuống, mảng thanh lý xe của Vinasun cũng kém hiệu quả, thể hiện qua lợi nhuận khác chỉ 3,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước gần 18 tỷ đồng.
Do đó, Vinasun báo lỗ trước thuế tới 111 tỷ đồng trong quý 2/2020, cao gấp 6,5 lần số lỗ quý 1/2020. Đây là khoản lỗ quý thứ 2 liên tiếp và lớn nhất trong lịch sử 35 năm kinh doanh của hãng taxi này.
Trong nửa đầu năm, hãng taxi lớn nhất thị trường phía Nam đạt 522 tỷ doanh thu, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ ròng 128 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 61 tỷ).
Tính bình quân trong quý II, mỗi ngày trôi qua, Vinasun chỉ ghi nhận 1,7 tỷ doanh thu nhưng lại lỗ ròng 1,2 tỷ đồng. Khoản lỗ sau nửa năm thậm chí đã vượt cả kế hoạch lỗ trước đó được ban lãnh đạo công ty đề ra.
Tại thời điểm 30/6/2020, công ty có 4.625 nhân viên, giảm 1.165 người so với hồi đầu năm. Tổng giá trị tài sản của công ty hiện ở mức 2.300 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Trong năm 2020 này, Vinasun dự kiến đạt 1.180 tỷ doanh thu, giảm 41% và là năm giảm thứ 4 liên tiếp. Với doanh số trên, hãng dự kiến lỗ ròng 115 tỷ đồng cả năm, trong khi năm liền trước vẫn lãi 109 tỷ.
Theo lý giải từ lãnh đạo doanh nghiệp, tương tự nhiều dịch vụ khác trên cả nước, hoạt động của hãng cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Thậm chí, hãng đã phải tạm dừng hoạt động trong phần lớn tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, khả năng phục hồi của ngành vận tải hành khách thấp là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của hãng ảm đạm trong năm nay. Bên cạnh đó, sự ra đời của taxi công nghệ tạo ra cuộc chiến sống còn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.